Tân Tổng giám đốc DongABank là ai?

(NDH) Ông Võ Hải Nam, Giám đốc Ban Quản lý rủi ro tín dụng – Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) được NHNN chỉ định làm Tổng Giám đốc DAB thay thế ông Trần Phương Bình.

Ông Võ Hải Nam đứng thứ 2 từ trái sang.

Ông Võ Hải Nam-BIDV lên làm TGĐ DongA Bank

Tối 20/8/2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đình chỉ quyền và nghĩa vụ của Ông Trần Phương Bình đối với chức danh thành viên Hội đồng quản trị và chức danh Tổng Giám đốc DAB; đình chỉ quyền và nghĩa vụ của Bà Nguyễn Thị Ngọc Vân đối với chức danh Phó Tổng Giám đốc DAB.

Cùng ngày, Ngân hàng Nhà nước đã có Quyết định trưng tập 02 cán bộ của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam để thay thế các chức danh điều hành của các cá nhân nêu trên.

Theo đó, ông Võ Hải Nam (ảnh), Giám đốc Ban Quản lý rủi ro tín dụng (BIDV) được NHNN chỉ định làm Tổng Giám đốc DAB thay thế ông Trần Phương Bình.

Ông Phạm Thế Nguyên, Phó Giám đốc chi nhánh Sở giao dịch 2 -BIDV được chỉ định làm Phó Tổng Giám đốc DAB thay thế bà Nguyễn Thị Ngọc Vân.

Theo đó, việcchỉ định nhân sự tham gia điều hành DAB là một trong các giải pháp để tăng cường kiểm soát, bảo đảm hoạt động của DAB được an toàn và bảo vệ đầy đủ quyền lợi của người gửi tiền, các quyền, nghĩa vụ kinh tế của các bên có liên quan theo quy định của pháp luật.

Ông Võ Hải Nam sinh ngày 16/12/1973 tại Hà Nội. Trước khi về làm Giám đốc Ban quản lý rủi ro của BIDV, ông Nam đã có hơn 20 năm công tác trong hệ thống BIDV và giữ nhiều vị trí chủ chốt như: Trưởng phòng Tổng hợp, Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ 1 – Ban Tổ chức Cán bộ, Phó Giám đốc Sở Giao dịch 3, Giám đốc Chi nhánh BIDV Thanh Xuân, Giám đốc Ban Quan hệ Khách hàng Doanh nghiệp...

Ngoài chức Giám đốc Ban Quản lý rủi ro tín dụng của BIDV, ông Nam hiện còn là thành viên HĐQT của Tổng công ty bảo hiểm BIDV (Mã: BIC).

Ông Phạm Thế Nguyên từng tốt nghiệp K19 tại Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Hiện đang làm việc tại BIDV TP. Hồ Chí Minh.

Chặng đường 20 năm của ông Bình vớiDongA Bank

Ông Trần Phương Bình sinh năm 1959, là cử nhân Kinh tế, giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc DAB, gắn bó với ngân hàng ngay từ những ngày đầu thành lập.

Ông Bình được bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc từ năm 1998, và là Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị từ năm 2013.

Trước khi về với DAB, ông Bình từng có 8 năm làm nghề giáo. Nói về những khó khăn trong những ngày đầu làm ngân hàng, ông Bình chia sẻ: Khó khăn lớn nhất là khi chuyển nghề 'tay ngang', vì vậy, khi nhận nhiệm vụ điều hành DAB, ông phải vừa làm vừa học, tự mày mò với những ma trận của kinh doanh tài chính.

Từ một ngân hàng mới thành lập với số vốn điều lệ vỏn vẹn 20 tỷ đồng, dưới thời của ông Trần Phương Bình và các cộng sự, DAB đã có giai đoạn phát triển huy hoàng và được đánh giá là một trong những ngân hàng có chất lượng dịch vụ hàng đầu tại Việt Nam.

Về mảng dịch vụ khách hàng, dịch vụ thẻ DAB luôn chiếm trọn niềm tin của người dân. DAB cũng là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam đưa vào hoạt động máy ATM bán vàng tự động.

Tuy nhiên, đến cuối 2014 DAB bắt đầu lộ rõ những bất ổn và tụt dốc "thê thảm" về lợi nhuận, nhiều khoản nợ xấu khó đòi...

Tính đến 31/12/2014, DongA Bank có tổng tài sản 87.108 tỷ đồng, có tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo là 3,76%; lợi nhuận trước thuế năm 2014 chỉ đạt 35 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 7% kế hoạch năm.

Một số nhân viên tại DAB chia sẻ, ông Trần Phương Bình luôn coi DAB là ngôi nhà thứ hai. Phòng làm việc của ông luôn mở cửa từ sớm và rất nhiều lần sáng đèn trong đêm, kể cả những ngày nghỉ cuối tuần. Tâm huyết, trăn trở... với sự thăng trầm của DAB là những gì mà ai cũng có thể nhìn thấy ở vị CEO này.

Trước một ngày khi NHNN công bố kết quả thanh tra DAB,ông Trần Phương Bình đã thừa nhận DAB lâm vào khó khăn do "án" nợ xấu. Theo đó, ông Bình muốn xin NHNN thêm khoảng thời gian để tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, mọi việc đã diễn ra không đúng như ý định của DAB.

>>>Cổ đông PNJ "mất" gần 1.000 tỷ đồng vì "ông chồng" DongABank