Tại tọa đàm tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu do Viện nghiên cứu lập pháp (Ủy ban thường vụ Quốc hội) tổ chức, Tiến sỹ Võ Trí Thành nêu lên một câu hỏi: “Quay lại quá khứ, chúng ta đã tái cấu trúc hệ thống ngân hàng trong bối cảnh như thế nào?”
“Hết sức ham vọng” là miêu tả của TS Võ Trí Thành về công cuộc tái cấu trúc này. Theo đó, Việt Nam vừa muốn ổn định vĩ mô nhưng cũng muốn tăng trưởng trở lại trong khi theo đánh giá của chuyên gia thì hệ thống ngân hàng lúc đó “đang đứng bên bờ vực” với không ít những ngân hàng thương mại yếu kém và hụt hơi. Không những thế, “Chúng ta lại còn muốn chi phí tái cấu trúc phải là nhỏ nhất.”
Chính vì việc muốn cả 2 mục tiêu khi mà nguồn lực không có đã đẩy gánh nặng của chính sách vĩ mô lên chính sách tiền tệ.
“Mục tiêu chính sách tiền tệ là ổn định vĩ mô, ổn định đồng tiền Việt Nam nhưng bây giờ tất cả gánh nặng đổ lên ngân hàng Việt Nam. Trong dài hạn, chính sách tiền tệ chạy theo nhiều mục tiêu sẽ gây ra những méo mó, rủi ro trong phân bổ vốn.”
Mặc dù vậy, nhìn lại quãng đường đã đi qua, chuyên gia đánh giá hệ thống ngân hàng đã ổn định trở lại, tránh được sự đổ vỡ của toàn hệ thống dù nhiều Ngân hàng còn chênh vênh.
TS Võ Trí Thành cũng nhận xét kinh tế vĩ mô có sự cải thiện rõ rêt. Song sự phục hồi này hết sức mong manh, kể cả khi không xảy ra sự kiện biển Đông. Trái phiếu Chính Phủ hiện nay cũng là gánh nặng cho chính sách tiền tệ.
Trước vấn đề dư thanh khoản do tăng trưởng tín dụng thấp đang khiến nhiều người lo ngại, chuyên gia lại thấy một mặt tích cực cho chính sách tiền tệ: “rất may là Ngân hàng thanh khoản tốt hơn nên họ mua bớt trái phiếu Chính phủ”.
Chi phí để xử lý những vấn đề này không thể nhỏ. Sau khủng hoảng, Thái Lan đã mất 30% GDP để xử lý và khôi phục nền kinh tế. Chính vì vậy, chuyên gia cho rằng trong giai đoạn hiện nay, chúng ta không chỉ ổn định hệ thống ngân hàng mà còn phải lành mạnh hóa để đưa nền kinh tế vào quỹ đạo và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn.
Theo đó, TS Võ Trí Thành nhấn mạnh vấn đề quản trị ngân hàng, đặc biệt là quản trị rủi ro phải theo thông lệ tốt nhất. Trong khi các nước đã bắt đầu triển khai Basel III thì Việt Nam bây giờ mới lấy Basel II để thí điểm cho 10 ngân hàng, dù vậy, đó cũng là một bước tiến trong quản trị rủi ro tại ngân hàng.
Nói về VAMC, chuyên gia nêu quan điểm rằng để một cơ quan xử lý được nợ xấu thì phải có đủ năng lực, quyền lực và pháp lực trong đó “pháp lực” là phát triển thị trường mua bán nợ và định giá tài sản.
>>> Chuyên gia kiến nghị 4 biện pháp để xử lý nợ xấu
Lan Nguyên