Có lẽ con sóng đầu cơ ngoại tệ lần này của các chủ thể trên thị trường liên ngân hàng và bên ngoài đã diễn ra đúng thời điểm được một nửa. Nửa đúng là nhu cầu ngoại tệ có nhúc nhích từ phía doanh nghiệp vay đô la Mỹ để nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu cuối năm chuẩn bị cho lễ Tết; từ phía các đơn vị vay ngoại tệ kinh doanh, giờ sắp đến tháng 12 là điểm đáo hạn.
Bên cạnh đó, yếu tố quốc tế có ảnh hưởng nhất định khi các ngoại tệ mạnh tiếp tục mất giá so với đô la Mỹ và sự mạnh lên của đồng bạc xanh ngày càng rõ nét. Giá vàng thế giới giảm, giá vàng trong nước chỉ hạ tí chút, sự chênh lệch giá vàng đủ sức kích thích nhập vàng lậu và nơi tiêu thụ là các cơ sở sản xuất, kinh doanh vàng nữ trang vẫn còn cửa. Chỉ cần nhu cầu gom đô la mặt để nhập vàng lậu xuất hiện, tỷ giá thị trường tự do có thể bị đẩy lên.
Nửa chưa đúng của thời điểm là dự báo về sự điều chỉnh tỷ giá thêm 0,43% từ phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Cơ quan quản lý không thể nào điều chỉnh tỷ giá vào lúc này khi mà họ đang thúc các ngân hàng thương mại tăng tín dụng. Muốn tín dụng ra được, cách nhanh nhất là hạ thêm lãi suất cho vay. Điều chỉnh tỷ giá có khác nào đặt một hòn đá tảng ngáng đường đi xuống của lãi suất đầu ra. Chưa kể đang là cận cuối năm, điều chỉnh tỷ giá sẽ làm tăng nợ công phải trả, làm hao hụt lợi nhuận của những doanh nghiệp lớn đang hưởng lợi từ sự ổn định tỷ giá.
Tỷ giá sẽ được điều chỉnh, nhưng nhà điều hành sẽ chọn một thời điểm thuận lợi hơn nhiều. Thí dụ quãng thời gian sau Tết Dương lịch và gần Tết âm lịch. Lúc ấy kiều hối về nhiều, nhu cầu ngoại tệ theo chu kỳ thường thấp, và nguồn thu từ du lịch, từ Việt kiều về ăn Tết có thể tăng lên theo thông lệ.
Ngoài ra khi đó các nhà nhập khẩu sẽ nhận được ngoại tệ do xuất hàng hoá cho dịp lễ Giáng sinh và Năm mới ở châu Âu, châu Mỹ. Cung dồi dào, cầu thấp, giá mua/bán sẽ dễ chịu. Đấy mới là điểm vàng để điều chỉnh tỷ giá.
Vì những lý do trên, con sóng đầu cơ ngoại tệ lần này nhiều khả năng sẽ nhấp nhô thêm một vài ngày, thậm chí mươi ngày nữa, rồi lại đâu vào đấy. Giữa lúc giá đô la chuyển khoản niêm yết bán ra của các ngân hàng chạm mức 21.420 đồng/đô la Mỹ, "anh cả" Vietcombank hạ lãi suất tiền gửi 1 tháng về 4 %/năm, 3 tháng còn 4,9 %/năm.
Vấn đề là ở chỗ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 11 dự báo sẽ tiếp tục thấp và việc hạ giá xăng dầu bán lẻ có thể làm CPI tháng 12 cũng không thể nào cao được. Nếu lạm phát năm nay tăng khoảng 3% so với cuối năm ngoái, một đợt hạ lãi suất nữa có thể diễn ra và lãi suất tiền gửi ngoại tệ có thể về mức 0,1-0,5 %/năm. Ai sẽ ham giữ ngoại tệ với lãi suất đó trong điều kiện NHNN cam kết ổn định tỷ giá cho năm sau, cộng thêm dự báo giá vàng thế giới có thể rơi về dưới 1.000 đô la Mỹ/ounce?
Tạo được một con sóng đầu cơ ngoại tệ bây giờ phải vượt qua rất nhiều rào cản. Rào cản lớn nhất là kênh ngoại tệ không còn sức hấp dẫn kéo dài. Tỷ giá ổn định càng lâu (ổn định trên cơ sở đồng tiền Việt mất giá 1-2%/năm so với đô la Mỹ), hấp lực của ngoại tệ như một kênh đầu tư và tích lũy càng giảm.
|