SHB đề nghị được "chiếu cố" về nợ xấu 

Ngân hàng SHB vừa có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không tính dư nợ cho vay Vinashin và các đối tượng chuyển giao từ Vinashin khi tính toán tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng khi thực hiện xếp hạng, cấp hạn mức và các công văn xin phép khác.

Ngân hàng TMCP SHB vừa có một số kiến nghị gửi lên NHNN. Theo đó, SHB đề nghị không tính dư nợ cho vay Vinashin và các đối tượng thuộc diện chuyển giao từ Vinashin khi tính toán tỷ lệ nợ xấu, nợ của Ngân hàng trong các công văn, thủ tục, hồ sơ xin cấp phép, xếp hạng, xin cấp hạn mức và các hồ sơ công văn xin cấp phép khác của SHB

SHB cũng đề nghị không tính dư nợ cho vay Vinashin vào tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn của SHB khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện xếp loại các TCTD trong vòng 5 năm để SHB xử lý toàn bộ nợ xấu của Vinashin.
Về trích lập dự phòng rủi ro, SHB cũng đề nghị được phân bổ các khoản dự phòng phải trích cho tất cả các khoản dư nợ cho vay ngoài Vinashin của Habubank cũ, được phân bổ các khoản dự phòng phải trích đối với các khoản đầu tư (ủy thác đầu tư, đầu tư dài hạn, đầu tư trái phiếu,...) trong vòng 5 năm từ năm 2014 - 2018.


Tương tự, SHB cũng đề nghị được phân bổ các khoản dự phòng phải trích cho dư nợ thuộc Vinashin (bao gồm cả các khoản không được hoán đổi) trong vòng 5 năm từ năm 2014 - 2018 như đề án nhập sáp nhập HBB đã được Thống đốc NHNN phê duyệt.

Về điều kiện thành lập chi nhánh, SHB cũng xin được không tính tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ vào điều kiện xin cấp phép thành lập chi nhánh, phòng giao dịch mới theo thông tư 21/2012/TT-NHNN quy định về mạng lưới hoạt động của Ngân hàng thương mại.


Theo quy định hiện hành, trong vòng 5 năm bán nợ cho VAMC, mỗi năm các tổ các tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng 20% cho khoản nợ đó. Tuy nhiên, SHB đề nghị được phân bổ dự phòng phải trích cho trái phiếu VAMC lớn hơn thời hạn 5 năm so với quy định. Nguyên nhân là, sau khi bán nợ cho VAMC, SHB phải trích lập dự phòng cho trái phiếu VAMC với số dư dự phòng lớn do không được khấu trừ giá trị tài sản đảm bảo, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng sáp nhập.

Cũng do phải "gánh" số nợ xấu của Habubank sau khi sáp nhập, SHB kiến nghị NHNN xem xét không áp dụng các tiêu chuẩn như đối với các ngân hàng hoạt động bình thường về các chỉ tiêu hoạt động của SHB khi lựa chọn hoặc xác nhận với các bộ/ngành khác khi xem xét SHB là ngân hàng tham gia phục vụ các dự án ODA, các dự án tín dụng quốc tế…

Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2014 do SHB công bố cho thấy, ngân hàng này hoạt động khá tốt. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của SHB đạt 402 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ một năm trước. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 19,6%, huy động tiền gửi khách hàng tăng 20%.
Mặc dù vậy, nợ xấu của ngân hàng này cũng đang ở mức khá cao. Cụ thể, tính đến thời điểm 30/6/2014, SHB có 7.470 tỷ đồng các khoản nợ quá hạn, tăng 72% so với đầu năm và chiếm 8,2% tổng dư nợ cho vay. Trong đó, số cho vay được khoanh lại và chờ xử lý đạt hơn 1.200 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu đến cuối quý II của SHB duy trì ở mốc 4%.

Nợ quá hạn tăng khiến SHB phải dành thêm gần 360 tỷ đồng để dự phòng rủi ro trong quý II/2014, gấp 2,8 lần cùng kỳ năm 2013.