Bên cạnh đó, NHNN sẽ rất quyết liệt trong việc yêu cầu TCTD trích lập dự phòng rủi ro.
TBKTSG: Theo thống kê của NHNN, thưa ông nợ xấu hiện là bao nhiêu?
- Ông Nguyễn Hữu Nghĩa: Tính đến cuối tháng 6-2014, nợ xấu của toàn hệ thống là 160.940 tỉ đồng, tăng 21,5% so với cuối tháng 5-2014 và tăng 38,2% so với cuối năm 2013.
Tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng là 4,17%.
Số dư nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu đã tăng đáng kể trong tháng 6-2014, đặc biệt sau khi Thông tư 02 quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chính thức được áp dụng từ 1-6-2014.
Theo báo cáo của các TCTD thì nợ nhóm 5 cũng có xu hướng tăng. Việc xử lý nhóm nợ này gặp nhiều vướng mắc trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo, đặc biệt là khâu phát mại tài sản với thủ tục phức tạp, mất nhiều thời gian và thị trường bất động sản chưa phục hồi. Các ngân hàng thương mại đang tích cực xử lý nợ xấu nói chung, nợ xấu nhóm 5 nói riêng bằng việc trích lập dự phòng rủi ro và các biện pháp quyết liệt khác.
Việc xử lý nợ xấu đang diễn ra thế nào?
- Đến cuối tháng 6-2014, số dư dự phòng còn lại của toàn hệ thống đạt mức 77.300 tỉ đồng, tăng 10,9% so với cuối năm 2013. Nếu toàn bộ số dự phòng này được sử dụng để xử lý nợ xấu thì tỷ lệ nợ xấu của hệ thống sẽ giảm xuống còn khoảng 2,2%. Do vậy, vấn đề nợ xấu hiện nay vẫn trong tầm kiểm soát vì quỹ dự phòng của các TCTD ở mức khá và tiếp tục có xu hướng tăng.
Để đẩy mạnh xử lý nợ xấu, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD thường xuyên đánh giá lại, phân loại đúng chất lượng và khả năng thu hồi của các khoản nợ theo chuẩn mực mới về phân loại nợ của NHNN, tiếp tục cơ cấu lại nợ, hỗ trợ vốn để khách hàng khắc phục khó khăn và phục hồi sản xuất kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ và giảm chi phí hoạt động.
Bên cạnh đó, các ngân hàng phải tăng cường các giải pháp mở rộng tín dụng gắn với kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng nhằm hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Công ty Quản lý tài sản (VAMC) để thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu.
Ngoài ra, NHNN sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 53/2013/NĐ-CP nhằm tạo môi trường thông thoáng, đặc biệt là cơ sở pháp lý cho việc xử lý, bán nợ, tài sản bảo đảm tiền vay theo hướng trao quyền chủ động nhiều hơn cho VAMC và các TCTD trong việc thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm tiền vay, đi đôi với việc tăng cường tính minh bạch, công khai trong bán, xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm.
NHNN lý giải tình hình nợ xấu ra sao?
- Việc nợ xấu tăng trong ngắn hạn sau khi Thông tư số 02 có hiệu lực là hợp lý đối với tác động về mặt chính sách và mục tiêu quản lý của NHNN, bởi vì quy định tại Thông tư 02 và Thông tư 09 chặt chẽ hơn về phân loại nợ và cơ cấu lại nợ nhằm từng bước đưa nợ xấu của các TCTD phù hợp hơn với rủi ro tín dụng.
Việc nợ xấu có xu hướng gia tăng chủ yếu xuất phát từ những khó khăn nội tại của nền kinh tế (hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chậm phục hồi, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo còn ở mức cao, số doanh nghiệp phá sản hoặc ngừng hoạt động tiếp tục gia tăng...).
Mặc dù tỷ lệ nợ xấu đang ở mức cao song hệ thống ngân hàng đã có những giải pháp quyết liệt để kiềm chế và xử lý, đặc biệt thông qua dự phòng rủi ro. Số nợ xấu được xử lý bằng dự phòng rủi ro tăng lên trong thời gian gần đây và sẽ đạt mức cao nhất vào thời điểm cuối năm khi các TCTD đẩy mạnh việc xử lý nợ xấu. Do vậy, chúng tôi dự đoán nợ xấu tuy có tăng trong năm song sẽ giảm vào cuối năm.
Sức "đề kháng" của các ngân hàng tiếp tục yếu đi
Số liệu thống kê của NHNN cho thấy tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (vốn tự có/tổng tài sản có rủi ro - CAR) tính đến hết tháng 6-2014 của cả hệ thống tổ chức tín dụng đã giảm đi 0,71 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
CAR tại ngày 30-6-2014 của hệ thống tổ chức tín dụng tại Việt Nam là 12,94%. Tỷ lệ này đã giảm nhiều so với cách đây một năm (13,65%).
Điểm đáng chú ý nữa thể hiện sức khỏe hệ thống tổ chức tín dụng kém đi trông thấy là ROA (lợi nhuận trên tài sản có) và ROE (lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu) giảm khá mạnh.
ROA toàn hệ thống tổ chức tín dụng là 0,17% và ROE là 1,83%, theo báo cáo tài chính các ngân hàng quí 1-2014. Hai tỷ lệ này đã giảm mạnh so với thời điểm cuối năm 2013, khi ROA ở 0,49% và ROE là 5,18%.