Sẵn sàng mọi phương án xử lý nợ xấu

Sẵn sàng mọi phương án xử lý nợ xấu

Để xử lý nợ xấu hiệu quả thì sự cộng hưởng ấm lên từ nền kinh tế sẽ là chất xúc tác vô cùng quan trọng đối với tốc độ xử lý nợ xấu.

Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, Chủ tịch HĐTV VAMC Nguyễn Quốc Hùng cho biết, VAMC đã mua được 97 nghìn tỷ đồng nợ xấu gốc của các TCTD và quy đổi ra trái phiếu đặc biệt – công cụ quyền năng của công ty này có giá trị gần 58 nghìn tỷ đồng, góp phần tích cực trong việc giảm nợ xấu của toàn hệ thống. Tính đến tháng 9/2014, theo báo cáo của NH tổng nợ xấu đã xử lý ước đạt 252.000 tỷ đồng, bằng 54,3% tổng nợ xấu.

Kết quả xử lý nợ xấu đạt được đến nay đã ghi nhận sự cố gắng của hệ thống các TCTD, nhất là trong điều kiện không có sự hỗ trợ tài chính từ ngân sách Nhà nước, cơ chế chính sách còn nhiều hạn chế, bất cập và nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn vào thực tế việc xử lý nợ xấu của VAMC vẫn chưa đạt được như mong muốn. Nợ xấu cũ và mới vẫn có xu hướng tăng cao.

Một Đại biểu Quốc hội đặt vấn đề: Chúng ta đề cập rất nhiều về nợ xấu, vậy nợ xấu có phải là sản phẩm của ngành NH không? Và vị đại biểu này cũng khẳng định là không, bởi nó là sản phẩm của thị trường. Nếu đã là của thị trường thì phải tạo điều kiện cho thị trường giải quyết. Nhưng hiện NH đang bị thị trường làm khó, khi để xử lý tài sản thế chấp thường phải mất 1-2 năm. Nhất là trong trường hợp con nợ không hợp tác thì 3 - 5 năm chưa chắc đã bán được.

Mua mà không bán được thì nợ xấu lại rơi vào tình trạng “tồn kho” và khi phải xử lý tồn kho nợ xấu, chi phí của nền kinh tế phải gánh không hề rẻ. Điểm nghẽn này không thuộc thẩm quyền trách nhiệm riêng của NH mà cả nền kinh tế. Chúng ta phải tháo gỡ về cơ chế thị trường để hỗ trợ NH giải quyết được việc mua, bán nợ xấu.

Vì lẽ đó, hầu hết các đề xuất, kiến nghị của các ĐBQH và những người trong cuộc đều nhấn mạnh cần phải có thêm những chế tài, những cơ chế, chính sách, tăng vốn điều lệ, tạo khuôn khổ pháp lý về mua, bán nợ cho VAMC. Nếu không tháo gỡ được những bất cập, đặc biệt về mặt khuôn khổ pháp lý và những nguồn lực cần thiết cho VAMC thì chắc chắn không thể xử lý triệt để nợ xấu.

Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10/2014, Chính phủ chỉ đạo: tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các TCTD theo hướng tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý, nhất là xử lý tài sản bảo đảm và quyền hạn của chủ nợ, hoàn thiện chức năng tăng cường tiềm lực tài chính đề nâng cao năng lực và phát huy vai trò của VAMC. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, lãnh đạo VAMC tin rằng, những nút thắt trong hoạt động của VAMC sẽ sớm được tháo gỡ trong năm 2015.

Bản thân VAMC cũng đã đưa ra nhiều giải pháp để làm sao xử lý nợ xấu hiệu quả nhất. Dù là có hay không có tiền, hoặc thậm chí là thêm sự hỗ trợ từ ngân sách thì Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng khẳng định: VAMC vẫn thực hiện nhiệm vụ được giao phó trong năm 2015 và những năm tiếp theo là mua, bán và xử lý nợ xấu. Tùy từng điều kiện cụ thể, VAMC sẽ triển khai các phương án tiếp theo.

Ông Nguyễn Quốc Hùng đã đưa ra 3 phương án với 3 kịch bản tốt nhất, trung bình và xấu nhất. Nhưng để xử lý nợ xấu hiệu quả thì sự cộng hưởng ấm lên từ nền kinh tế sẽ là chất xúc tác vô cùng quan trọng đối với tốc độ xử lý nợ xấu.

Theo Thanh Huyền