Đây là thông tin được TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết bên lề Buổi toạ đàm "Tái cơ cấu và xử lý nợ xấu" do Viện Nghiên cứu Lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) tổ chức chiều ngày 9/9.
Tập trung xử lý sở hữu chéo thời gian tới
Quá trình tái cơ cấu ngân hàng thời gian qua đã được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận, mặc dù kinh nghiệm của quốc tế thường xử lý quyết liệt hơn. Tuy vậy, TS Nguyễn Đức Kiên lưu ý, nợ xấu đang có nguy cơ tăng trở lại. Tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của các tổ chức tín dụng (TCTD) đến cuối tháng 7 là 4,17%, nếu tính cả nợ đã cơ cấu là 8,2%. Việc tái cơ cấu ngân hàng yếu kém cũng còn chậm, việc phối hợp giữa các bên liên quan trong xử lý nợ xấu chưa chặt chẽ.
Sẽ có một số tổ chức, cá nhân vì một số lợi ích nên cố gắng níu lại và kìm hãm việc bán, giãn tiến độ bán nợ xấu và như vậy sẽ làm cho dòng tiền đi không như mong muốn. | ||
| ||
TS Nguyễn Đức Kiên | ||
Có nhiều nguyên nhân của tình trạng này trong đó có nguyên nhân các ngân hàng chưa chủ động trong tái cơ cấu, có tâm lý trông chờ ỉ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Một số các TCTD chưa chủ động, tích cực xử lý nợ xấu và bán nợ xấu cho VAMC. Cùng với đó, việc tái cơ cấu ngân hàng là vấn đề nhạy cảm, liên quan đến quyền lợi của nhiều bên, gây mất thời gian với nhiều thủ tục, quy định. VAMC thì hiện chưa có cơ chế hỗ trợ đặc thù đủ mạnh.
Vì vậy, thời gian tới, TS Nguyễn Đức Kiên cho rằng, cần phải tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp tái cơ cấu ngân hàng mà chúng ta đã và đang tiến hành. Đồng thời, một trọng tâm thời gian tới là phải tiếp tục tập trung xử lý tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo trong lĩnh vực ngân hàng.
"Đây là một vấn đề mà dư luận xã hội thời gian qua quan tâm và thực tế diễn biến kinh tế đòi hỏi chúng ta phải quyết liệt hơn trong xử lý sở hữu chéo và rà soát lại văn bản pháp quy để hỗ trợ xử lý sở hữu chéo cho đồng bộ", TS Kiên nhấn mạnh.
Nợ xấu nên công bố theo nhiều cách tính khác nhau
Cùng vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng: khó khăn đầu tiên của quá trình tái cơ cấu ngân hàng thời gian tới chính là sở hữu chéo và nợ xấu dây dưa. Đây là vấn đề mang tính lịch sử, phức tạp mà nếu không vượt qua được thì khó đạt mục tiêu dài hạn trong tái cơ cấu.
Một giải pháp được ông Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh để xử lý vấn đề này là phải công khai và minh bạch thông tin, cả về vi mô và vĩ mô, về nợ xấu và sở hữu trong lĩnh vực ngân hàng vì "nếu không minh bạch sẽ không xử lý được sở hữu chéo".
Về nợ xấu, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, không thể nói NHNN không công khai minh bạch thông tin về nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu khác nhau cũng là bình thường, phụ thuộc vào thời điểm và cách thức công bố. Tuy nhiên, cách thức công bố thông tin và thông tin công bố có vai trò quan trọng. Thay vì công bố một thông tin dựa trên một cơ sở tính toán, NHNN nên công bố nhiều hơn thông tin nợ xấu, bằng nhiều cách tính khác nhau. Việc chủ động công bố thông tin sẽ tạo điều kiện tốt cho thị trường.
Sẽ "cắt những ba lô" làm chậm trễ xử lý nợ xấu
Trao đổi với PV bên lề cuộc hội thảo, TS Nguyễn Đức Kiên đánh giá để đạt được như mục tiêu của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết của Quốc hội nêu ra, thì chặng đường tiếp theo mới là chặng đường khó nhất trong xử lý nợ xấu. Điều đòi hỏi đầu tiên là phải sửa hành lang pháp lý. Qua số liệu của công ty VAMC, một số lượng nợ xấu tương đối lớn đã được gom về nhưng việc xử lý đang vướng mắc cả về trình tự bán tài sản, trình tự đánh giá trách nhiệm của các bên.
Bên cạnh đó, sẽ có một số tổ chức, cá nhân vì một số lợi ích nên cố gắng níu lại và kìm hãm việc bán, giãn tiến độ bán và như vậy sẽ làm cho dòng tiền đi không như mong muốn. Bên cạnh những khó khăn, lực cản đã nhìn thấy, cần có quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Để có động lực phát triển kinh tế nhanh thì chúng ta phải "cắt được những ba lô đang níu kéo việc chậm trễ đó".
Được biết, tháng 10 tới, Quốc hội sẽ báo cáo về giám sát tối cao đối với tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu DNNN và tái cơ cấu TCTD với Chính phủ và các bên liên quan. "Khi đó chúng tôi sẽ đánh giá lại để khẩn trương làm tiếp các bước còn lại trong năm 2015, nhắm đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu", TS Nguyễn Đức Kiên cho biết./.