Quan trọng là tốc độ xử lý nợ xấu phải nhanh hơn tốc độ phát sinh nợ xấu mới

Quan trọng là tốc độ xử lý nợ xấu phải nhanh hơn tốc độ phát sinh nợ xấu mới

Đến tháng 8/2014, tổng nợ xấu đã xử lý khoảng 210.000 tỷ đồng, hiện còn lại khoảng 161.000 tỷ đồng. Trong khi nợ cũ chưa giải quyết dứt điểm lại phát sinh nợ mới.

Trong khuôn khổ chương trình Gateway Việt Nam do CTCP Chứng khoán Sài Gòn tổ chức sáng ngày 11/09/2014, Tiến sĩ Trần Du Lịch đã có những chia sẻ liên quan đến vấn đề nợ xấu, tái cơ cấu nợ xấu cũng như giải pháp xử lý.

Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV), tỷ lệ nợ xấu trên toàn hệ thống hiện ở mức 4,17% tổng dư nợ. Đến thời điểm này, tổng nợ xấu đã xử lý khoảng 210.000 tỷ đồng, hiện còn lại khoảng 161.000 tỷ đồng. Nợ cũ chưa giải quyết dứt điểm lại phát sinh nợ mới. Vì vậy, nếu không giải quyết dứt điểm thì đây là điểm nghẽn của nền kinh tế; còn tồn tại nợ xấu cao thì nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn còn.

Tuy nhiên, thời điểm nào chúng ta có thể giải quyết xong nợ xấu là câu hỏi rất khó để trả lời được. “Tôi chỉ có thể đặt niềm tin”, ông Lịch nói.

Để giải quyết nợ xấu, từ đầu 2013 với Nghị quyết 01 và Nghị quyết 02, Chính phủ đã đặt vấn đề giải quyết nợ xấu trong tổng thể nền kinh tế.

Đối tượng phân loại nợ, theo Ts. Trần Du Lịch có 3 loại: (i) Các doanh nghiệp/khách hàng đã vượt qua khủng hoảng, làm ăn có lãi  bám trụ tốt và có cơ hội phát triển; (ii) Nhóm doanh nghiệp đang gặp khó khăn, luẩn quẫn, có tính lan tỏa, dây dưa, có thể tạo ra thêm nợ xấu; (iii) Nhóm doanh nghiệp “chết lâm sàng”.

Vì vậy Ts. Trần Du Lịch cho rằng Chính phủ cần tập trung các giải pháp, ưu tiên lãi suất để gỡ tín dụng cho nhóm thứ 2 nêu trên. Nếu gỡ được khó cho nhóm doanh nghiệp thứ 2, với các giải pháp đồng bộ VAMC, … nợ xấu sẽ giảm.

Theo mục tiêu SBV đến hết năm 2015 nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng xuống 3%. Mục tiêu này có thể đạt được nếu tập hợp đồng bộ các giải pháp sau:

(1) Chúng ta tập trung kích hoạt thị trường, kích hoạt tổng cầu để gỡ khó khăn doanh nghiệp. Giảm lãi suất tín dụng trung hạn để DN nhóm phát triển tốt có thể có cơ hội đầu tư mới, kích thích tổng cầu nền kinh tế.

(2) Ngân hàng tiếp tục dùng lợi nhuận trích lập dự phòng, đòi nợ, phát mãi tài sản.

(3) Chính phủ xử lý điểm nghẽn toàn bộ thủ tục hành chính để xử lý tài sản – hiện đang nghẽn.

(4) Phát triển thị trường mua bán nợ -  VAMC để tạo thanh khoản bên ngoài, kích thích, kiểm soát năng lực tài chính của VAMC để cùng phát triển thị trường.

Với những giải pháp đồng bộ trên để giải quyết nợ xấu, "tôi đặt niềm tin năm 2015 SBV sẽ giải quyết được nợ xấu, kéo nợ xấu toàn hệ thống xuống 3%" - Ts. Trần Du Lịch chia sẻ.

Ts. Trần Du lịch cho biết thêm, vấn đề quan trọng hiện nay là làm sao tốc độ xử lý nợ xấu nhanh hơn tốc độ phát sinh nợ xấu mới khi nền kinh tế đang trong thời kỳ trì trệ, mọi thứ đang nghẽn.  Vì vậy, cần thiết một giải pháp tổng thể cho thị trường. Nợ xấu Việt Nam phần lớn gắn liền với bất động sản. Do đó các giải pháp gắn liền phải là khơi thông thị trường bất động sản; Khai thông cho người nước ngoài mua nhà ở; và Sửa Luật đầu tư  - khai thông môi trường đầu tư.

Trường Giang