Đến năm 2016, Phú yên sẽ đóng mới 185 tàu khai thác và dịch vụ hậu cần
Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, đến nay, ngư dân, DN toàn tỉnh đăng ký đóng mới 58 tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần và nâng cấp, cải hoán 37 phương tiện theo Nghị định 67. Dự kiến nhu cầu vốn đầu tư khoảng 642 tỷ đồng; trong đó vay ngân hàng 560 tỷ đồng, còn lại là vốn tự có của ngư dân, doanh nghiệp.
Sở NN-PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ số lượng đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu khai thác hải sản và tàu dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác hải sản xa bờ cho 4 huyện, thị, thành phố của tỉnh theo đúng số lượng Bộ NN-PTNT phân bổ.
Lũy kế đến năm 2016, toàn tỉnh sẽ đóng mới 185 tàu khai thác và dịch vụ hậu cần; nâng cấp, cải hoán 465 tàu; đến năm 2020, đóng mới 315 tàu và nâng cấp, cải hoán 705 tàu, tập trung vào 2 nghề chủ lực là câu cá ngừ đại dương và vây cá ngừ.
UBND tỉnh Phú Yên cũng đã đăng ký bổ sung kế hoạch 2015 đối với các dự án thủy sản ưu tiên đầu tư theo Nghị định 67 gồm 18 công trình, dự án với tổng nhu cầu vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng. Riêng năm 2015, ưu tiên đầu tư 8 công trình, dự án với nhu cầu vốn gần 70 tỷ đồng.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên Lê Văn Trúc đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt nội dung Nghị định số 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản đến tất cả ngư dân trên địa bàn; đồng thời hướng dẫn hồ sơ, thủ tục cho ngư dân vay vốn, sớm đưa nghị định đi vào cuộc sống.
Ông Trúc cho biết, Phú Yên sẽ thành lập hội đồng, tổ tư vấn, trong đó có các ngân hàng tham gia. Khi tổ tư vấn xem xét, có ý kiến thống nhất thì ngân hàng giải ngân để ngư dân sớm có vốn đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu thuyền, vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…