Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt: Nỗ lực của một mình NH là chưa đủ

Giám đốc Khối Dịch vụ thanh toán và Quản lý tiền tệ toàn cầu của Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) - bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, khi trao đổi với phóng viên TBNH đã đưa ra các giải pháp.

Bà đánh giá thế nào về sự phát triển của các kênh thanh toán điện tử ở Việt Nam hiện nay?

Trong vòng 2 năm gần đây, thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) phát triển mạnh và phổ biến thông qua các hình thức: thẻ tín dụng, thẻ thanh toán nội địa, thẻ thanh toán quốc tế và thanh toán qua NH. Các NH ngày càng mở rộng mạng lưới ATM cộng với các điểm chấp nhận thanh toán bằng thẻ ngày càng tăng, hỗ trợ cho việc phát triển kênh TTKDTM qua thẻ.

Ngoài phương thức truyền thống là giao dịch tại chi nhánh thì nay, các NHTM đã triển khai và phát triển NH điện tử - Internet Banking cho cả khách hàng DN và cá nhân. Trong đó có thanh toán điện tử với nhiều tiện ích vượt trội dành cho khách hàng về thời gian và chi phí. Các kênh điện tử phát triển đa dạng về số lượng lẫn chất lượng. Điển hình là nếu như trước đây, chỉ một vài NH cung cấp dịch vụ NH điện tử, thì hiện nay có hơn 43 NH cung cấp dịch vụ này.

Song song đó, dịch vụ NH qua điện thoại - Mobile Banking cũng được phát triển mạnh mẽ. Việc triển khai các dịch vụ thanh toán điện tử, đặc biệt là thanh toán qua Internet, đã đạt được kết quả ấn tượng, số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ khá lớn; số lượng và giá trị giao dịch tăng cao tăng, tương ứng 83% và 42% so với năm 2012. Các dịch vụ thanh toán khác như MPos, ví điện tử... cũng trở nên quen thuộc với người tiêu dùng hơn.

Có thể nói hiện nay, sự thân thiện của giao diện của Internet Banking, Mobile Banking với người dùng đã có bước đột phá, tốc độ kênh thanh toán được đẩy mạnh đầu tư. Và đặc biệt là tính an toàn của giao dịch điện tử được nâng cấp mạnh mẽ nhằm đảm bảo sự an toàn tuyệt đối trong giao dịch thanh toán điện tử.


Ảnh minh họa

Vậy, những vướng mắc nào khiến TTKDTM tại Việt Nam chưa phát triển như kỳ vọng?

Tâm lý đại bộ phận người dân, từ người bán đến người mua vẫn chuộng dùng tiền mặt trong các giao dịch thông thường. Số điểm chấp nhận thanh toán bằng thẻ tuy đã mở rộng nhưng chưa nhiều như ở các nước phát triển khác. Hơn nữa, một số điểm chấp nhận thanh toán thẻ lại không tuân thủ theo đúng quy định thanh toán dẫn đến nhiều trường hợp ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng thẻ như yêu cầu phụ thu thêm phí hay không áp dụng khuyến mãi giảm giá cho các thanh toán bằng thẻ…

Với các hình thức thanh toán qua NH trực tuyến thì dù có nhiều tiện ích vượt trội về thời gian, địa điểm và chi phí nhưng nhiều khách hàng do không có được thông tin đầy đủ về các tiện ích này mà lại đọc, nghe từ báo đài nhiều thông tin tiêu cực về an ninh mạng nên vô hình trung có ấn tượng không tốt về dịch vụ thanh toán điện tử và không tin tưởng vào độ bảo mật của loại dịch vụ này.

Từ kinh nghiệm của HSBC, theo bà, có thể có giải pháp nào tại Việt Nam cho mục tiêu trên?

Việc giải quyết vấn đề trên đòi hỏi thời gian và nỗ lực của không chỉ các tổ chức tài chính, NHNN, mà còn của các công ty cung cấp dịch vụ, kỹ thuật và sự hỗ trợ truyền thông của các cơ quan báo chí.

Chúng ta thấy Nhà nước đã có những biện pháp hành chính nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt như lương công chức đã được trả qua tài khoản. Đến nay, đã có trên 56.850 đơn vị hưởng lương từ NSNN (chiếm trên 65%) thực hiện trả lương qua tài khoản với 1,9 triệu cán bộ công chức nhận lương qua tài khoản, chưa kể những đối tượng như công nhân, học sinh, sinh viên…

NHNN cũng đẩy mạnh truyền thông về lĩnh vực này và luôn khuyến khích các NHTM có các chương trình thúc đẩy TTKDTM. NHNN chi nhánh tại các tỉnh, thành phố tiếp tục mở rộng dịch vụ trả lương qua tài khoản theo Chỉ thị số 20/2007/CT-TTg tới các địa bàn.

Tuy nhiên, theo tôi ngành NH cần tiếp tục chiến dịch quảng bá sâu rộng để khách hàng biết rõ hơn về tính an toàn và bảo mật, nhanh chóng, tiết kiệm chi phí và thời gian khi sử dụng kênh thanh toán điện tử khi so sánh với phương thức thanh toán truyền thống. Các NHTM nên có bộ phận hỗ trợ khách hàng chuyên nghiệp để giải đáp thắc mắc một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Các điểm bán hàng cũng cần đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc phát triển kênh thanh toán điện tử như lắp đặt các máy thanh toán, kết hợp cùng NH xây dựng các chương trình khuyến mãi dành riêng cho khách thanh toán bằng thẻ để khuyến khích khách sử dụng thẻ. Việc đào tạo nhân viên bán hàng tuân thủ đúng các quy đinh nghiêm ngặt về bảo mật, kiểm tra thanh toán thẻ rất cần thiết nhằm hạn chế các trường hợp dùng thẻ bị đánh cắp thanh toán, tạo sự tin tưởng cho khách hàng về tính an toàn và tiện dụng của thẻ.

Xin cảm ơn bà!

Đến cuối năm 2013, trên 15.200 ATM và trên 129.600 POS/EDC được lắp đặt tăng lần lượt 7% và 24% so với cuối năm 2012. Trong năm 2013, trên 28 triệu giao dịch và trên 120.700 tỷ đồng (tăng tương ứng 34% và 26% so với năm 2012, tăng 77% và 56% so với năm 2011), riêng giao dịch thanh toán hàng hóa và dịch vụ chiếm trên 91%.