Ngân hàng ANZ nhận định nếu động thái của ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) khởi đầu cho biên độ biến động mới của đồng Nhân dân tệ, tỷ giá đồng tiền này có thể bắt đầu được nhận định là được “thả nổi” và đây là một thay đổi lớn.
Một số người cho rằng hành động phá giá là do giao dịch thương mại của Trung Quốc trong tháng 7/2015 ở mức yếu, sự bất ổn trên thị trường chứng khoán bắt đầu ảnh hưởng đến tiêu dùng, trong khi tham vọng đưa Nhân dân tệ vào rổ đồng tiền dự trữ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang cản trở các quyết định của chính quyền Bắc Kinh.
Hãng CMC Market cho rằng quyết định của PBOC bao hàm nhiều ý nghĩa. Những lần hạ lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc trước đó của Trung Quốc là nhằm kích thích tín dụng của các ngân hàng, theo đó tạo sự thúc đẩy cho thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, đợt phá giá đồng tiền lần này là nhằm hỗ trợ các ngành kinh tế chủ chốt của Trung Quốc, như xuất khẩu, chứ không phải cho các công ty đang ngập trong vay nợ cũng như để cứu giúp chứng khoán.
Cuộc chiến nới lỏng tiền tệ mới
Trung Quốc có thể đang tập trung vào việc chuyển đổi nền kinh tế phụ thuộc vào nhà nước sang nền kinh tế thị trường, và tuyên bố phá giá của Trung Quốc là hành động mới nhất trong một loạt các vụ phá giá tiền tệ để gia tăng cạnh tranh tại Châu Á cũng các thị trường mới nổi khác.
Standard Chartered cho rằng quyết định trên của chính quyền Bắc Kinh là một cú “sốc” với thị trường Châu Á, đặc biệt nếu nhìn vào những đối tác xuất khẩu chủ yếu của Trung Quốc như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Đức. Trung Quốc đang xuất khẩu không chỉ hàng hóa mà cả tình trạng giảm tốc lạm phát sang các nước đối tác và đây là một tác động cực kỳ tiêu cực đối với thị trường tiền tệ Châu Á.
Ngay sau tuyên bố của PBOC, phản ứng của thị trường tiền tệ Châu Á là rất nghiêm trọng. Đồng Nhân dân tệ giảm 1,8% so với đồng USD, trong khi đồng Won của Hàn Quốc, Đô la Singapore và Đô la Australia đều giảm hơn 1%.
Theo hãng Barclays, các đồng tiền Châu Á đang phải đối mặt với áp lực từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sắp tăng lãi suất và đồng Nhân dân tệ giảm giá có thể gia tăng thêm những áp lực này. Hơn nữa, quyết định của PBOC có thể khiến ngân hàng trung ương các nước Châu Á lo ngại rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục phá giá đồng tiền. Đồng Đô la Singapore, Won Hàn Quốc và Đô la Đài Loan nằm trong số những đồng tiền có khả năng giảm giá nhiều nhất sau quyết định của chính quyền Bắc Kinh.
Hàng loạt các ngân hàng trung ương trên thế giới từ đầu năm nay, ngoại trừ FED, đã tham gia vào một cuộc chiến nới lỏng tiền tệ nhằm ngăn chặn rủi ro giảm phát và bảo vệ nền kinh tế trước ảnh hưởng của việc giá dầu đi xuống cũng như tác động từ việc đồng USD tăng giá do khả năng Mỹ nâng lãi suất.
CMC Market cho rằng các ngân hàng trung ương vẫn đang trong cuộc chiến tiền tệ và tuyên bố của Trung Quốc cho thấy chiến tranh tiền tệ sẽ không kết thúc cho đến khi tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu được hồi phục hoàn toàn.
Tuy nhiên, ngân hàng Standard Chartered và ANZ đều cho rằng hành động của PBOC có thể là quyết định điều chỉnh duy nhất trong năm nay nên Nhân dân tệ có khả năng sẽ không giảm giá tiếp cũng như tiếp tục tác động xấu đến các nước Châu Á.
Ngân hàng HSBC đồng ý rằng Trung Quốc không có mục tiêu giảm giá Nhân dân tệ nên áp lực cạnh tranh từ các đồng tiền khác do động thái phá giá này sẽ suy giảm dần. Mặc dù vậy, việc tỷ giá Nhân dân tệ/USD biến động mạnh sẽ khiến tỷ giá các đồng tiền Châu Á khác so với USD biến động theo.
PBOC vs FED
Theo một số nhà đầu tư, động thái của PBOC có thể làm suy giảm khả năng nâng lãi suất của FED vào tháng 9/2015.
Trụ sở FED
Nhân dân tệ và USD là 2 đồng tiền mạnh duy nhất còn lại trong xu thế nới lỏng chính sách tiền tệ thời gian gần đây, nhưng cuối cùng Trung Quốc cũng đã phải hạ giá đồng tiền. Do đó, đồng USD là đồng tiền duy nhất còn sót lại và áp lực lên FED là vô cùng lớn.
PBOC phá giá đồng tiền gần 2% đồng nghĩa với việc nhiều khả năng FED là ngân hàng trung ương duy nhất chấp nhận rủi ro giảm phát trên thế giới. Các quốc gia khác đang cố gắng gia tăng lạm phát thông qua nới lỏng tiền tệ và xuất khẩu giảm phát sang những đồng tiền mạnh còn lại.
Việc tăng giá của đồng USD đang làm chính quyền Washington đau đầu khi ảnh hưởng đến xuất khẩu của Mỹ, làm giảm lạm phát và giảm lợi nhuận của các tập đoàn.
Quyết định tăng lãi suất của FED chắc chắn sẽ thúc đẩy giá đồng USD và điều này đang làm khó các nhà hoạch định chính sách Mỹ. Theo dự đoán của CME FedWatch, khả năng FED năng lãi suất trong tháng 9/2015 là 54%.