Ông Lê Trọng Nhi: Hệ thống ngân hàng còn nhiều lỗ hổng

"Nhìn xa trước 10 năm nữa và lùi lại 6 năm qua, hệ thống tài chính ngân hàng của Việt Nam là bi kịch của nền kinh tế.” là chia sẻ của ông Lê Trọng Nhi – Chuyên gia tài chính ngân hàng khi nói về thực trạng hế thống tài chính ngân hàng tại Việt Nam hiện nay.

Ông Lê Trọng Nhi

Theo phát biểu của ông Nhi trong một hội thảo tại TPHCM chiều 31/10, những chính sách và kế hoạch đưa ra mà không có hệ thống ngân hàng đứng ra “cưu mang” thì đều khó thực thi được, ho thấy vai trò của hệ thống ngân hàng và cái chung về thị trường vốn của nước ta còn rất nhiều lỗ hổng. Minh chứng cho lỗ hổng ở đây là trong 3 năm vừa qua, có đến hơn 400 nhân viên, quan chức ngân hàng bị truy tố. Trong khi đó, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam chưa có nhân viên nào bị truy tố. Ông cho rằng đây là vấn đề rất đáng xem xét.

Bên cạnh đó, vấn đề vô cùng lớn chính là nợ xấu mà nếu không giải quyết được thì sẽ bất ổn. Các chính sách cải cách hệ thống ngân hàng hiện nay chỉ là ứng phó chứ chưa dám nhìn vào “cái thực, cái đau” và thực trạng như thế nào. Ông đánh giá cải cách ngân hàng đang nửa vời, không thực nên không giải quyết được số nợ xấu thực và số nợ xấu giả. Và theo ông Nhi thì mỗi ngành nghề đều có lobby riêng của nó nhưng lobby trong hệ thống ngân hàng là rất lớn.

Ông Nhi cho biết có ba việc cần làm đối với hệ thống ngân hàng:

Thứ nhất, giải quyết balance sheet (bảng cân đối tài sản) của ngân hàng trung ương. Nếu không dám nhìn thằng vào balance sheet thì nợ xấu trở thành nợ xấu giả của nền kinh tế.

Thứ hai, giải quyết nợ xấu bằng cách dùng VAMC để mua nhưng mua là phải bán chứ không thể giữ đó được.

Thứ ba, giải quyết vấn đề trong balance sheet của các ngân hàng cổ phần.

Lập thị trường mua bán nợ xấu trong nước

Đối với việc xử lý nợ xấu của VAMC, ông Nhi cho rằng mới chỉ có cơ chế mua chứ chưa cho bán. Theo đó, muốn bán là phải có sự chênh lệch, không thể mua 10 đồng mà bán 10 đồng được. Trong khi đó, VAMC mua nợ bằng giá trị sổ sách ngân hàng thì không thể nào bán được.

Muốn mua bán phải có sự chênh lệch nhưng cơ chế vẫn chưa cho phép. Do đó, muốn xử lý nợ thì phải xử lý cả chủ nợ và con nợ, phải đem ra khỏi bảng cân đối tài sản chứ không thể mang tài sản từ bảng cân đối này bỏ qua bên khác rồi để nguyên đó.

Bên cạnh đó, tại Việt Nam vẫn chưa có thị trường nợ và cũng chưa có liên thông với thị trường nợ của nước ngoài. Có thể thấy, những suy nghĩ cho rằng nước ngoài vào mua lại nợ xấu chỉ là nói cho có, ông Nhi cho biết thêm.

Để giải quyết việc này, ông Nhi đưa ra giải pháp nên tạo thị trường nợ, không chỉ cho các ngân hàng mua bán nợ xấu mà cả người ngoài, những ai “khỏe” hơn cũng có thể tham gia.

Thế cờ bây giờ thuộc về doanh nghiệp

Đối với hệ thống ngân hàng trong nước, ông Nhi cho rằng phải thay đổi theo sự thay đổi tổng thể của nền kinh tế. Trước đây, vai trò của ngân hàng ngồi trên các doanh nghiệp 3 đến 4 bậc thì đến giai đoạn này vai trò này cần ngang bằng hoặc không cao hơn như trước nữa.

Điều đó có nghĩa là doanh nghiệp phải ý thức được vấn đề đó, “thế cờ” bây giờ thuộc về doanh nghiệp chứ không còn thuộc độc quyền của các ngân hàng nữa.

Cấu trúc trong hệ thống ngân hàng còn quá nhiều lỗ hỏng, sai trái khiến cho nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận được vốn. Một phần trong những nguyên nhân là có độ lệch về tính chuyên nghiệp và chuyên môn. Đối với các doanh nghiệp thì điều này có thể nhưng với định chế tài chính thì không thể có người lãnh đạo thiếu trải nghiệm, huấn luyện. Cho nên khi đó vai trò của ngân hàng tác hại nhiều hơn là giúp cho nền kinh tế.

Ông Nhi cũng có lời khuyên cho doanh nghiệp là nên dám nhìn vào balance sheet của mình, cái nào nên giữ và cái nào không giữ. Doanh nghiệp hãy tự cứu chính bản thân mình trước khi mong chờ vào định chế tài chính.