Ồ ạt cho vay tiêu dùng: Rủi ro nợ xấu thế nào?

Tín dụng tiêu dùng, đang được đẩy mạnh, là phương tiện hỗ trợ tài chính đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, nếu chạy đua giành thị phần, nhưng không kiểm soát được rủi ro, sẽ dẫn đến nguy cơ bong bóng tín dụng cá nhân, khi nợ xấu đang ngày một tăng.

Tín dụng tiêu dùng, đang được đẩy mạnh, là phương tiện hỗ trợ tài chính đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, nếu chạy đua giành thị phần, nhưng các tổ chức cho vay không kiểm soát được rủi ro, sẽ dẫn đến nguy cơ bong bóng tín dụng cá nhân, khi nợ xấu đang ngày một tăng.


Dễ dãi tiêu chuẩn giải ngân

Đa số người có nhu cầu vay tiêu dùng mong muốn thủ tục đơn giản, nhanh chóng và đặc biệt là không cần tài sản thế chấp khi vay, nên nếu được thỏa mãn những điều kiện đó, họ sẵn sàng chấp nhận lãi suất cao. Nhu cầu vay tiêu dùng ở Việt Nam đang tăng nhanh trong khi thị trường chưa có nhiều nhà cung cấp loại dịch vụ này.

Nắm bắt được xu hướng này, trong bối cảnh các ràng buộc pháp lý hầu như không có, các công ty tài chính và ngân hàng đang từng bước đẩy mạnh mảng tín dụng tiêu dùng với những điều kiện vay không thể đơn giản hơn, như chỉ cần có giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu hoặc giấy tạm trú dài hạn với bản sao không cần chứng thực.

Tuy nhiên, chính những thủ tục giản tiện đó là nguyên nhân của không ít rắc rối. Chẳng hạn, do khoản vay nhỏ lẻ và thủ tục giải ngân nhanh chóng, tiện lợi, nên nhiều khách hàng chủ quan trong việc nắm và tìm hiểu kỹ các điều khoản hợp đồng trước khi ký. Đến khi không thanh toán đúng hạn theo hợp đồng và bị phạt phí, các khách hàng này mới vỡ lẽ và quay ra khiếu nại hoặc phản đối tổ chức cho vay.

Mặt khác, chính sự dễ dãi trong xét duyệt cho vay đã tạo cơ hội cho không ít khách hàng lợi dụng sơ hở của công ty tài chính để chiếm đoạt vốn tín dụng tiêu dùng, như vụ lừa đảo ở Tây Ninh vừa qua, mà nạn nhân là các công ty tài chính Home Credit, JACCS, ACS…, với số tiền bị chiếm đoạt lên đến hàng trăm triệu đồng.

Rủi ro nợ xấu thế nào?

Rủi ro xảy ra tranh chấp hay bị chiếm đoạt vốn tín dụng như kể trên dù sao cũng chỉ là những trường hợp riêng lẻ và tương đối ngẫu nhiên. Điều khiến giới quan sát lo ngại là rủi ro hệ thống với sự bùng phát của hoạt động cho vay dưới chuẩn và bong bóng tín dụng tiêu dùng, như đã từng xảy ra ở Mỹ trước khủng hoảng tài chính 2008.

Trả lời ĐTCK về vấn đề này, một lãnh đạo ngân hàng cho rằng, ngành tài chính tiêu dùng Việt Nam vẫn đang phát triển mạnh mẽ và có tỷ lệ tăng trưởng đều đặn mỗi năm, ngay cả khi nền kinh tế chưa hồi phục hoàn toàn như hiện nay. Vì thế, khi tình hình kinh tế tốt lên, khả năng lĩnh vực này tăng trưởng mạnh là hoàn toàn có thể xảy ra, khi đó, việc quản lý rủi ro để hạn chế nợ xấu là hết sức quan trọng. Các công ty tài chính, ngân hàng cần có những bước đi đúng đắn, phát triển bền vững lĩnh vực tín dụng tiêu dùng.

Một trong những cách để hạn chế tổn thất nếu xảy ra rủi ro chậm trả hoặc mất vốn đối với khoản cho vay tiêu dùng chính là áp lãi suất cao (so với lãi suất tín dụng ngân hàng), nói cách khác là tăng phần bù rủi ro. Các mức lãi suất có thể áp dụng khác nhau đối với các khách hàng khác nhau, tùy theo đánh giá của tổ chức cho vay về khách hàng. Các công ty tài chính và ngân hàng thường có hệ thống tính điểm để phân loại khách hàng.

Chẳng hạn, về lãi suất cho vay tiêu dùng, Home Credit áp dụng mức lãi suất có thể lên đến trên 20% nếu khoản vay có độ rủi ro cao.

Vấn đề đối với các tổ chức cho vay là làm sao để khách hàng hiểu và chấp nhận các mức lãi suất đó, qua đó vừa tránh được tranh chấp có thể xảy ra, vừa hạn chế được rủi ro đạo đức. Trên thực tế, sau khi vay để chi tiêu, không ít khách hàng mới tá hỏa với lãi suất phải trả ở mức quá cao hoặc mức phí phạt trả chậm và trả trước nhiều.

Ở FE Credit (Khối tín dụng tiêu dùng của VPBank), ông Kalidas Ghose cho biết, đơn vị có cơ chế quản lý rủi ro chặt chẽ nên tỷ lệ nợ xấu của FE Credit đang thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng chung của các ngân hàng và các công ty tài chính khác. Điều này được minh chứng qua kết quả kinh doanh của FE Credit thời gian qua, đóng góp tích cực vào lợi nhuận VPBank.

Ông Igor Prerovsky, Tổng giám đốc Home Credit Việt Nam cũng cho hay, tỷ lệ nợ xấu của Công ty hiện ở mức khoảng 4 - 5%, thấp hơn so với cuối năm 2013.

Tuy nhiên, lãnh đạo một công ty tài chính cho rằng, có thể với ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu 6 - 8% là điều đáng lo ngại, nhưng với công ty tài chính cho vay tiêu dùng, đó là bình thường.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP. HCM cho biết, dư nợ tín dụng tiêu dùng vẫn tăng trưởng trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, xu hướng nợ xấu đối với lĩnh vực cho vay tiêu dùng cá nhân lại có xu hướng giảm khoảng 20% so với đầu năm nay.