Nỗi lo dư tiền

Tháng cuối cùng của quý III, nỗi lo dư tiền của các ngân hàng vẫn còn đó.

Một số ngân hàng đã giảm lãi suất huy động tiền đồng thêm 0,1 - 0,5%/năm, nhằm giảm chi phí vốn đồng thời giảm bớt lượng tiền đổ vào ngân hàng, khi mà tình hình cho vay vẫn chưa khả quan.

Việc lạm phát tính đến hết tháng 8 chỉ tăng 1,84% so với cuối năm 2013 khiến cho lãi suất tiết kiệm dù giảm mạnh vẫn đem đến lãi suất thực dương cho người gửi tiết kiệm. Bởi vậy, dù các ngân hàng giảm lãi suất huy động, tiền gửi vào ngân hàng không giảm, người ta chỉ thay đổi từ gửi ở các kỳ hạn ngắn sang kỳ dài hạn để hưởng lãi suất cao hơn. Và không khó hiểu khi tín phiếu Ngân hàng Nhà nước vẫn là một kênh hút tiền từ các ngân hàng thương mại.

Trong tuần đầu của tháng 9, dư nợ tín phiếu tiếp tục tăng nhẹ so với cuối tháng 8 và tính đến ngày 5-9, con số ấy là 168.866 tỉ đồng. Tính từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã đấu thầu thành công 602.837 tỉ đồng tín phiếu (tức là đã có 433.971 tỉ đồng tín phiếu đáo hạn).

Tăng trưởng tín dụng ì ạch là nỗi lo của hệ thống ngân hàng, khi hai phần ba chặng đường của năm 2014 đã trôi qua mà mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% chưa đạt được một phần ba. Ngoài ra, có một chi tiết đáng lưu ý là tăng trưởng tín dụng của các khoản vay bằng USD, dù chỉ chiếm khoảng 17% tổng dư nợ, lại cao hơn ba lần so với mức tăng trưởng các khoản vay bằng tiền đồng.

Theo các nhà phân tích, điều này có tác động không nhỏ bởi thông tư 29/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, quy định mở rộng danh sách các nhóm doanh nghiệp được vay vốn bằng ngoại tệ, các tổ chức tín dụng có thể tài trợ ngoại tệ cho một số lĩnh vực được khuyến khích sau khi có sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước.

Đặc biệt, khoản vay ấy có thể được chuyển đổi thành tiền đồng để sử dụng và có thể không cần đảm bảo bởi nguồn thu ngoại tệ như trước đây, điều này đã khuyến khích doanh nghiệp đủ điều kiện chọn vay USD thay vì tiền đồng, do lãi suất thấp hơn đáng kể mà lại không phải chịu rủi ro về biến động tỷ giá. Bởi ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã cam kết giữ tỷ giá USD ổn định, có thay đổi cũng không quá 2% trong năm nay. Nhà điều hành tự tin cam kết như vậy nhờ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn đều đặn đổ vào nước ta, cộng thêm nguồn kiều hối dồi dào và cán cân thương mại tiếp tục thặng dư.

Vấn đề là chiều ngược lại, huy động bằng USD của các ngân hàng lại không tăng tốt như tăng trưởng tín dụng ngoại tệ. Từ đầu năm đến nay, nguồn vốn huy động bằng USD chỉ tăng 1,31%. Lý do là trần lãi suất huy động USD thấp không khuyến khích người dân nắm giữ và gửi tiết kiệm bằng USD. Lãi suất huy động USD chỉ là 1%/năm, không thể hấp dẫn bằng mức 5,5 - 6%/năm nếu nắm giữ và gửi tiết kiệm bằng tiền đồng.

Rất nhiều người dân và doanh nghiệp đã giảm dự trữ ngoại tệ để chuyển sang nắm giữ tiền đồng. Mặt tích cực của vấn đề là giúp nền kinh tế không còn bị tình trạng đôla hóa như trước, nhưng có thể khiến các ngân hàng đối mặt với rủi ro mất cân xứng tiền tệ giữa tiền đồng và USD. Để triệt tiêu rủi ro này, nhà điều hành vẫn đang điều tiết tốt cung cầu ngoại tệ, tập trung mua USD khi thị trường dư thừa nhằm sẵn sàng bán cho các ngân hàng thương mại khi cần.

Tuy nhiên, việc mua USD lại khiến một lượng lớn tiền đồng được tung ra, và Ngân hàng Nhà nước lại phải dùng tín phiếu để hút tiền về… Vòng xoay này chỉ có thể giảm khi nền kinh tế thực sự hấp thụ được hết nguồn tiền đồng của các ngân hàng. Khi ấy, nỗi lo dư tiền của ngành ngân hàng mới không còn là vấn đề.