Nợ xấu - nhìn lại những dự báo “gai người” năm trước

Còn nhớ, khi Chính phủ bắt tay vào xử lý nợ xấu vài năm trước, đã có những ý kiến dự báo “gai người” về thực trạng cũng như hậu quả của “cục máu đông” này….

Thế nhưng, những sự kiện trong vài ngày qua liên quan đến mức tín nhiệm quốc gia đã phác thảo nên một bức tranh trái ngược hẳn với những dự báo đó.

Có lẽ không cần phải nhắc lại nguyên nhân và bối cảnh khiến nợ xấu bắt đầu trở thành một trong những vấn đề kinh tế-xã hội nóng tại nhiều diễn đàn. Theo kết quả giám sát của Ngân hàng Nhà nước, đến tháng 9/2012, tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng lên đến 17%.

Bài toán khó

Vấn đề nợ xấu khi đó được Chính phủ đánh giá là nghiêm trọng, không chỉ đối với riêng hệ thống ngân hàng mà còn với cả nền kinh tế. Nợ xấu làm cho nhiều doanh nghiệp không vay được vốn, sản xuất kinh doanh khó khăn đình trệ, ảnh hưởng đến việc làm, đời sống và tăng trưởng kinh tế.

Nợ xấu còn làm cho tình hình tài chính của các tổ chức tín dụng không lành mạnh, thanh khoản khó khăn, một số ngân hàng thương mại đứng trước nguy cơ đổ vỡ, đe dọa an toàn hệ thống và ổn định kinh tế vĩ mô.

Gần như cùng thời điểm với vấn đề nợ xấu, còn hàng loạt vấn đề kinh tế vĩ mô ở thời điểm đó cần xử lý mà biểu hiện rõ nhất là lạm phát tăng cao. Tình hình đòi hỏi những quyết sách khẩn trương, quyết liệt nhưng bình tĩnh, tỉnh táo.

Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội và phê duyệt các Đề án cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. Mục tiêu là cải thiện thanh khoản, tình hình tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng, đáp ứng yêu cầu vốn cho phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm an toàn hệ thống. Phấn đấu đến cuối năm 2015 đưa nợ xấu về mức bình thường trong kinh tế thị trường.

Một điểm không thể không nhắc đến khi đề cập đến câu chuyện nợ xấu ở Việt Nam. Kinh nghiệm thế giới cho thấy để gỡ nợ xấu, các nước thường phải chi một khoản lớn từ ngân sách. Còn tại Việt Nam, vì những lý do khác nhau, chúng ta không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu.

Đó là chưa kể việc xử lý nợ xấu đòi hỏi có khung khổ pháp lý hoàn chỉnh về xử lý nợ xấu, Luật về Công ty quản lý tài sản và có thị trường tài chính phát triển, những yếu tố còn vắng mặt ở Việt Nam.

Vậy có thể đánh giá như thế nào về kết quả xử lý nợ xấu sau những nỗ lực không ngừng nghỉ suốt thời gian qua? Thiết nghĩ, phải nhìn vào mục tiêu đã đặt ra trong tương quan với công cụ và nguồn lực xử lý như trên.

Từ những con số

Trong lĩnh vực nào cũng vậy, rõ ràng nhất, dễ nhìn thấy nhất và thuyết phục nhất là những con số. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến tháng 10/2014 đã xử lý được 54,3% tổng số nợ xấu được xác định tại thời điểm tháng 9/2012 (465 nghìn tỷ đồng).

Riêng Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) đã mua gần 95 nghìn tỷ đồng nợ xấu và đang từng bước xử lý theo quy định; trong đó đã bán, thu hồi được gần 4 nghìn tỷ đồng nợ xấu và có lãi.

Theo số liệu mới đây của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tỷ lệ nợ xấu giảm còn 5,43% so với mức 17% vào năm 2012. Còn theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, con số nàyvào khoảng 3,8% và có xu hướng giảm (tháng 6 là 4,17%; tháng 7 là 4,11%; tháng 8 là 3,9%).

Cũng phải nói thêm rằng không có việc NHNN “tiền hậu bất nhất” trong việc đưa ra tỷ lệ nợ xấu. NHNN đã khẳng định họ thật sự thận trọng trong việc đưa ra con số tỷ lệ nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu do NHNN đánh giá cao hơn là do thực hiện giám sát và đánh giá lại chặt chẽ hơn việc phân loại nợ của các tổ chức tín dụng.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu phải tiếp tục triển khai các giải pháp để đưa nợ xấu về mức 3% (tỷ lệ của NHNN) vào cuối năm 2015. Đây cũng là yêu cầu vừa được Quốc hội đặt ra với Chính phủ khi thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015.

Kết quả xử lý nợ xấu trong thời gian qua thể hiện nỗ lực của các ngành, các cấp, hệ thống các tổ chức tín dụng và cộng đồng doanh nghiệp.

Sự khắt khe của quốc tế

Những con số rõ ràng, nhưng trong nhiều trường hợp, số liệu thống kê không đủ để phản ánh hết tình hình. Ngay khi nợ xấu bắt đầu trở thành vấn đề nóng, đã có những ý kiến đánh giá nợ xấu nghiêm trọng hơn nhiều so với đánh giá của NHNN và của Chính phủ. Đến thời điểm này, chúng ta nhắc lại một vài ý kiến đó để xem chúng chính xác đến đâu.

Đây là một vài nhận định ở thời điểm cuối năm 2011: “Nợ xấu đã vượt quá sức chịu đựng và can thiệp của ngân sách Nhà nước”, rằng “hệ thống ngân hàng Việt Nam có nguy cơ – thậm chí đã - sụp đổ, mất khả năng trả tiền lại cho người gửi tiền”…

Nay, đã thấy rõ ràng những dự báo và nhận định đó khác xa với tình hình thực tế. Chúng ta đã cơ bản hoàn thành tái cơ cấu các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém, giảm 7 tổ chức tín dụng. Lãi suất liên tục giảm nhưng tiền vẫn chảy ồ ạt vào hệ thống ngân hàng, cho thấy niềm tin của người gửi tiền được củng cố.

Những mục tiêu đặt ra như bảo đảm an toàn hệ thống, cải thiện thanh khoản, đáp ứng yêu cầu vốn cho phát triển kinh tế xã hội hiển nhiên đã đạt được, dù vẫn còn đó không ít vấn đề cần giải quyết và bản thân nợ xấu tuy có tăng giảm theo từng thời điểm, nhưng xu hướng chung vẫn là giảm dần để trở về mức bình thường…

Nhiều tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đã thông báo nâng mức tín nhiệm của Việt Nam. Chỉ hơn 3 tháng sau khi Moody’s nâng mức tín nhiệm đối với trái phiếu của Chính phủ từ mức B2 lên mức B1 và mức triển vọng được đánh giá là ổn định, cách đây vài ngày, tổ chức xếp hạng Fitch cũng đã nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ mức B+ lên BB-, với triển vọng ổn định.

Và trong tuần trước, Bộ Tài chính đã phát hành thành công trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm ra thị trường vốn quốc tế với tổng khối lượng 1 tỷ USD và thành công vượt mức mong đợi về lãi suất.

Tính ổn định của hệ thống ngân hàng là một trong những căn cứ để các tổ chức quốc tế xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam. Nếu quả thật nợ xấu vẫn đáng lo ngại như trước đây hoặc như những ý kiến bi quan nhận xét hiện nay, thật khó mà lý giải được việc quốc tế lại đánh giá Việt Nam tốt hơn về mức độ tín nhiệm. Tín nhiệm tăng, nghĩa là rủi ro giảm.

Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội cũng như những thông tin được phát đi từ Văn phòng Chính phủ suốt thời gian qua đã nêu rất cụ thể về tình hình nợ xấu cũng như định hướng sắp tới, với những giải pháp và công cụ mạnh mẽ hơn. Những tổ chức tín nhiệm quốc tế khắt khe nhất đã có cái nhìn khác, thì chúng ta cũng không nên phủ nhận những nỗ lực của chính mình.