Nợ xấu ngân hàng cao hơn lợi nhuận

10 ngân hàng lớn nhất ghi nhận khoản lợi nhuận gần 25 nghìn tỷ đồng sau 9 tháng, song riêng nợ xấu của 8/10 đơn vị này đã lên tới 35 nghìn tỷ đồng.

Nợ xấu của Vietcombank hiện đang rất lớn, gần 4.800 tỷ đồngẢnh: Trần Hải
Nợ xấu của Vietcombank hiện đang rất lớn, gần 4.800 tỷ đồng

Thua lỗ, giảm lợi nhuận

Sau Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank), Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank - LPB) ghi nhận khoản âm về lợi nhuận trong quý III. Ngoại trừ thu nhập lãi thuần quý III của LPB đạt 437 tỷ đồng (giảm 7% so với cùng kỳ 2013), hầu hết các hoạt động còn lại của ngân hàng đều thua lỗ, như dịch vụ lỗ 78 tỷ đồng, chứng khoán lỗ 36,9 tỷ đồng, hoạt động khác lỗ 48 tỷ đồng...

Trong khi đó, chi phí hoạt động lên tới 338 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước khiến LPB lỗ thuần hơn 72 tỷ đồng. Nhờ bù đắp từ những quý trước đó, 9 tháng, ngân hàng vẫn lãi trước thuế 132 tỷ đồng, song giảm 23% so với cùng kỳ và chỉ đạt 30% kế hoạch năm 2014.

Theo thống kê sơ bộ, tính đến 30/9, lợi nhuận trước thuế của 10 ngân hàng lớn nhất (chưa bao gồm Ngân hàng Nông nghiệp Agribank và Ngân hàng TMCP Sài Gòn SCB), bao gồm CTG, VCB, MBB, STB, ACB, Techcombank, SHB... đạt 24.197 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ xấu của 8/10 ngân hàng này (trừ Techcombank và VPBank không công bố số liệu) đã lên tới 35.051 tỷ đồng, trong đó nợ nhóm 5 là 20.766 tỷ đồng.

Trước đó, Ngân hàng Đông Á cũng công bố khoản lỗ trước thuế hơn 66 tỷ đồng trong quý III, do thu nhập lãi thuần giảm tới 64%, trong khi chi phí hoạt động lại tăng 34% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng, DongABank đạt 220 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 57% so với cùng kỳ.

Mặc dù mới có hai ngân hàng báo lỗ, song hệ thống ngân hàng vẫn đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trong quý III, biểu hiện là lợi nhuận giảm mạnh so với cùng kỳ.
Chẳng hạn, ngân hàng Á Châu (ACB), lợi nhuận sau thuế quý III đạt 264 tỷ đồng, giảm 34 %; 9 tháng giảm 25 % (837 tỷ đồng). Ngân hàng Sài Gòn Công thương (SGB), 9 tháng lợi nhuận sau thuế giảm 48 % (163 tỷ đồng); Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank), lợi nhuận sau thuế 9 tháng giảm 16,5 % (734 tỷ đồng), quý III giảm 22,7 % (367 tỷ đồng). Ngân hàng An Bình (ABBank), lãi sau thuế 9 tháng giảm 34 % (166 tỷ đồng), quý III giảm 16 % (43,4 tỷ đồng)…

Nợ có khả năng mất vốn tăng vọt


Theo báo cáo tài chính đến 30/9 của gần 20 ngân hàng vừa công bố, một số ít ngân hàng ghi nhận nợ xấu giảm còn đa phần đều tăng so với thời điểm 31/12/2013, nhất là nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn). Đơn cử, ngân hàng Nam Á (NamABank), nợ xấu đến 30/9 là 305 tỷ đồng, tăng 79%, trong đó riêng nợ có khả năng mất vốn 251 tỷ đồng, tăng tới 149% và đây cũng là ngân hàng có mức tăng nợ xấu cao nhất.

Ngân hàng Công thương (Vietinbank - CTG), nợ xấu và nợ nhóm 5 tính đến 30/9 là 6.978 tỷ và 3.375 tỷ đồng, tăng lần lượt 85% và 50%. Ngân hàng Quốc Tế (VIB), nợ xấu tuy giảm 19% (còn 810 tỷ đồng), song nợ nhóm 5 lại tăng tới 96% (561 tỷ đồng). Ngân hàng Quân đội (MBB), nợ xấu và nợ nhóm 5 tăng lần lượt 32% và 36% (2.826 tỷ và 1.111 tỷ đồng). Ngân hàng Ngoại thương (VCB), nợ xấu tăng 3% (7.686 tỷ đồng), song nợ nhóm 5 tăng tới 69% (4.726 tỷ đồng)…

Theo tính toán của PV Báo Giao thông, tổng nợ xấu của 12/17 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý III gồm: ACB, CTG, Eximbank, MBB, NVB, NamABank, SGB, VCB... (5 ngân hàng không thông tin số liệu nợ xấu cụ thể gồm: ABB, DongABank, PVComBank, Techcombank, VPBank) là 37.295 tỷ đồng, tăng 3.200 tỷ đồng, trong đó nợ nhóm 5 là 22.330 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ xấp xỉ 60%.

Ngoài ra, các ngân hàng này cũng đang có khoản nợ quá hạn 77.800 tỷ đồng - có nguy cơ trở thành nợ xấu bất cứ lúc nào! Trong đó, một số ngân hàng có tỷ lệ nợ quá hạn trên tổng dư nợ rất cao, như ABB 16%; DongABank 13,2%; Kỹ Thương (Techcombank) 8,1%; Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) 7,9%... Đáng chú ý, phần lớn những ngân hàng nói trên thuộc nhóm có thương hiệu, tính minh bạch cao, quản trị và kinh doanh hiệu quả.