Thống kê của Chính phủ báo cáo Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội kỳ họp thứ 8 đang diễn ra cho thấy, nợ của chính quyền địa phương đã tăng gần 5 lần trong vòng 4 năm (2010-2013).
Cụ thể: Từ mức 6.777 tỉ đồng năm 2010 lên 10.884 tỉ đồng (2011), 24.504 tỉ đồng (2012) và 30.016 tỉ đồng năm 2013.
Dự tính hết năm 2014, con số này sẽ là 33.500 tỉ đồng và sang năm 2015 sẽ là 38.000 tỉ đồng do nhiều địa phương vẫn tiếp tục có nhu cầu phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để đầu tư vào các dự án hạ tầng.
Tính đến hết năm 2013, một số địa phương có số dư nợ lớn và có xu hướng tăng nhanh là TPHCM (12.419 tỉ đồng; trong đó hơn 10.000 tỉ đồng là vốn trái phiếu chính quyền địa phương phát hành, phần còn lại là vay Kho bạc nhà nước); tiếp đến là Hà Nội (4.650 tỉ đồng, chủ yếu là phát hành trái phiếu 4.400 tỉ đồng), Đà Nẵng nợ 1.655 tỉ đồng, Quảng Ninh nợ 1.555 tỉ đồng.
Do ngân sách nhà nước cấp không đủ cho địa phương đầu tư vào các dự án, chính quyền nhiều địa phương phải huy động vốn đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau và trái phiếu chính quyền địa phương là công cụ nợ được sử dụng nhiều nhất trong những năm gần đây.
Hầu hết các dự án sử dụng vốn vay bằng trái phiếu chỉ mới được giải ngân hoặc mới được ra quyết định đầu tư trong thời gian gần đây nên chưa xác định được hiệu quả của việc đầu tư.
Song tại nhiều địa phương, việc sử dụng các nguồn vốn vay khác như vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ thì thời gian đầu tư, thi công luôn kéo dài, chậm đưa vào sử dụng, làm nặng thêm gánh trả nợ. Ví dụ, theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước (9/2013), nhiều dự án giao thông và thủy lợi chậm tiến độ, khiến cho các dự án được đầu tư vì mục tiêu cấp bách đã không còn cấp bách nữa; ví dụ ở Phú Thọ có 25 dự án, Thanh Hóa có 5 dự án.
Tại nhiều địa phương, tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản các dự án đầu tư bằng nguồn ngân sách, nay phải bố trí nguồn hàng năm để trả nợ cũng là tình trạng phổ biến.