Nợ công của Việt Nam đã vượt mức an toàn
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, con số nợ công năm 2014 khoảng 60,3% GDP theo báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội là chưa đủ. Con số này vẫn còn chưa tính đến nợ doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà Chính phủ bảo lãnh, chưa tính đến nợ công của các địa phương, tỉnh, thành phố…
Ông Bùi Kiến Thành cho rằng, nợ công của Việt Nam không phải vẫn ở mức an toàn dưới 65% GDP mà đã vượt xa con số đó. Các nước khác tỷ lệ nợ công cao nhưng chi trả của họ dưới 10% ngân sách, trong khi ở Việt Nam, số tiền dành cho trả nợ năm 2014 lên tới 26,69% tổng thu ngân sách. Trong khi đó, tình hình kinh tế Việt Nam không ổn định, doanh nghiệp (DN) chết hàng loạt thì lấy đâu ra thuế để trả nợ? Trong ba nguồn thu lớn từ ngân sách là thu từ dầu thô, nhập khẩu và thu từ nội địa - vậy thử hỏi nguồn thu từ tài nguyên, khoáng sản được bao nhiêu? DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm hơn 60% nhưng họ đóng thuế thế nào? Có biết bao nhiêu DN FDI trốn thuế?", ông Bùi Kiến Thành phân tích.
Chuyên gia kinh tế này dẫn lời một Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết: "90% thanh khoản của ngân hàng thương mại chảy vào trái phiếu Chính phủ. Vậy lấy gì cho tín dụng để DN phát triển kinh doanh? Rồi chất lượng tín dụng như thế nào? Không nên cứ cho vay chỉ để đạt tiêu chí, để biến thành nợ xấu. Khi đó, người dân sẽ chính là đối tượng phải gánh khoản nợ xấu này".
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, nợ công của Việt Nam trong những năm gần đây đã tiến rất nhanh và đã trở thành một mối quan ngại chung của các chuyên gia kinh tế và của công luận ở Việt Nam.
Số nợ công được công bố là số nợ của Nhà nước và Nhà nước bảo lãnh bao gồm nợ nước ngoài và nợ trái phiếu Chính phủ trong nước. Trong đó, nợ trái phiếu Chính phủ trong nước tương đối ngắn hạn và có lãi suất cao nên yêu cầu chi trả nợ hằng năm cũng tăng lên rất nhanh. Ngoài ra, số nợ công được công bố cũng không gồm nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN). DNNN không trả được thì Chính phủ cũng phải trả.
Vì thế, ông Lê Đăng Doanh cho rắng, Quốc hội cần xem xét và có bản tường trình đẩy đủ về con số nợ công đến thời điểm hiện nay cũng như khả năng trả nợ như thế nào?
"Tôi không muốn nói con số thực là bao nhiêu nhưng có thể khẳng định nó đã vượt xa con số an toàn 65% GDP. Nợ công đang tăng rất nhanh. Tỷ lệ ngân sách dùng để trả nợ công sang năm 2015 khoảng 282.000 tỷ đồng, tương đương 31% tổng thu ngân sách. Trong khi chi thường xuyên ngân sách khoảng 72%. Cộng lại là hơn 100% tổng thu ngân sách. Rõ ràng là không còn đồng nào để đầu tư. Điều này thật nguy hiểm!", ông Lê Đăng Doanh nói.
"Xác định rõ nợ công để làm gì?"
Trước nguy cơ về nỗi lo nợ công đang "phi nước đại" và vượt quá sức trả nợ của nền kinh tế, nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ lo ngại và đành rằng, vay thì phải trả, nhưng lấy nguồn nào để trả nợ mới là vấn đề "đau đầu" hơn cả.
TS Nguyễn Đình Cung- Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Trung ương đã từng nói trước báo chí rằng: "Việt Nam không có tiền trả lãi suất. Đó là vấn đề vô cùng nguy hiểm".
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, đứng trước nguy cơ này, về vấn đề nợ công phải xác định rõ có mục đích gì? Hiệu quả kinh tế ra sao? Giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện tại có nên đầu tư theo cách đang làm không?
"Theo tôi, vấn đề trước mắt là đưa được tín dụng tới với DN để tạo ra sản phẩm. Ngoài ra, phải thay đổi tư duy về nợ công. Từ trước tới nay, Việt Nam chưa coi nợ công như một khoản vay nặng lãi nên tiêu xài vô tư, không những không tính tới hiệu quả mà còn để thất thoát. Đó là vấn đề cơ chế, gây thất thoát, trong khi người dân phải gánh nợ. Vì thế, nguồn tín dụng phải đưa vào sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho DN phát triển, có như vậy mới có hiệu quả kinh tế tốt để trả lãi và trả nợ", ông Bùi Kiến Thành đưa ra giải pháp.
Cùng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, Chính phủ cần phải có một chiến lược cụ thể về việc xem xét vay và trả nợ thế nào? Nguồn vay hình thành nợ công đang có thời hạn quá ngắn, áp lực trả nợ là rất sớm và rất lớn.
"Vì vậy, cần phải công bố rõ ràng các khoản nợ, lãi suất để toàn xã hội thấy rõ và cùng hành động. Hiện chúng ta đang vay đảo nợ. Đó là tình hình rất xấu. Với tốc độ này cần phải có chiến lược tái cơ cấu ngân sách, liệu cơm gắp mắm, trong đó phải lưu ý đến khâu quản lý, giám sát. Đặc biệt, Chính phủ phải cắt giảm chi tiêu thường xuyên một cách quyết liệt, tránh lãng phí, chỉ đầu tư vào những lĩnh vực cần thiết và có lãi", ông Lê Đăng Doanh khuyến cáo.
Chuyên gia kinh tế này cũng nhấn mạnh thêm rằng, sự phát triển của DN sẽ thúc đẩy nội lực của nền kinh tế. Vì thế, vấn đề đầu tư và có những chính sách thúc đẩy DN hoạt động hiệu quả thời điểm này là vô cùng cần thiết, bao gồm cả DN FDI. Song song với đó, cần có sự kiểm soát khối DN này một cách chặt chẽ để tránh trường hợp DN tăng quy mô sản xuất nhưng vẫn kêu lỗ nhằm trốn thuế", ông Lê Đăng Doanh khuyến cáo./.