GS-TS. Nguyễn Quang Thái, Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, nhận định: Tổng nợ công vẫn tăng nhanh, trong bối cảnh thu ngân sách ngày càng hạn hẹp. Giải quyết cái khó này càng khó khi nhiều đại biểu Quốc hội, những người bấm nút thông qua các dự án đầu tư công, trần nợ công lại không chuyên trách, không phải chuyên gia kinh tế, tài chính.
* Quốc hội đang bàn về nợ công, có hai luồng ý kiến: Nợ công vẫn trong ngưỡng an toàn và nợ công sắp chạm ngưỡng rủi ro lớn. Ông nhận định thế nào về các luồng ý kiến này?
- Hai ý kiến đó đều đúng. Nếu nói là an toàn thì đến thời điểm này, vẫn nằm trong ngưỡng an toàn, còn nói sắp chạm ngưỡng rủi ro lớn, thì đó là tiến trình.
Quốc hội vừa bấm nút cho phép phát hành 170.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, chủ yếu để nâng cấp quốc lộ 1A và quốc lộ 14, tổng nợ công hai năm 2016-2017 sẽ tăng lên. Năm tới, tổng nợ phải trả sẽ là khoảng 280.000 tỷ đồng, tương đương 14-15 tỷ USD.
Thời gian qua, nợ công tăng nhanh do cơ cấu nợ thay đổi. Cách đây mười năm, nợ công chủ yếu là vay nước ngoài, nhưng gần đây, vốn vay nước ngoài vẫn có nhưng đã đi ngang và lâu dài sẽ đi xuống, lúc đó phải huy động vốn trong nước. Đó là chủ trương đúng, huy động nội lực.
Nhưng vay nợ trong nước điều kiện vay khác với vay ODA (nước ngoài). Vay ODA chủ yếu là có thời hạn vay dài hạn, 30 - 40 năm, ân hạn có khi tới 10%, lãi suất thấp, 2 - 3% là nhiều, trong khi vay trong nước thời hạn vài năm, với lãi suất cao gần 10%.
Đến nay, vay nợ trong nước đã hơn 50% nên tổng nợ phải trả (cả phần gốc và lãi) bị đẩy lên rất cao.
Năm 2012, số tiền trả nợ chỉ tương đương 6 tỷ USD, trong đó khoảng dưới 1,5 tỷ nước ngoài, còn trong nước là tương đương hơn 4 tỷ USD. Cơ cấu nợ thay đổi cũng có cái hay, có thể huy động vay trong nước để tự lực.
Đặc biệt, trong điều kiện đầu tư đang giảm, nguồn cân đối tài chính về phát triển còn dư một ít, có thể huy động thêm để phát triển. Nhưng vấn đề là làm thế nào để sử dụng nguồn vốn vay này hiệu quả.
* Về cách sử dụng ngân sách chi cho đầu tư công, ông bình luận thế nào?
- Nợ công tăng, không nên chỉ trách Bộ Tài chính hay Chính phủ. Kỷ luật thu, chi ngân sách rất kém, quản lý ngân sách cũng rất lỏng lẻo.
Vấn đề hiện nay không chỉ với nợ công mà còn là chi tiêu tài chính công, thu ngân sách không đủ chi do hơn 70% là chi thường xuyên, cộng với vay trả nợ công trên 25% tổng thu thì phần còn lại rất ít cho đầu tư phát triển, dù có thêm 5%GDP bội chi.
Chính phủ thu, chi ngân sách thế nào để đảm bảo khoan được sức dân, để giảm được chi thường xuyên, giảm chi lãng phí, dành tiền cho đầu tư phát triển.
Mặt khác, chi tiêu công chỉ là một phần nhỏ trong tổng đầu tư toàn xã hội, nên Nhà nước phải có cơ chế cho khu vực kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác, tạo động lực cho nền kinh tế phát triển.
* Vậy theo ông, kế hoạch trả nợ công thế nào là tốt cho nền kinh tế?
- Tôi cho rằng, ngưỡng 65% GDP chỉ là để kiểm soát, quan trọng hơn là năng lực trả nợ. Hiện nợ công của Hoa Kỳ là hơn 100% GDP, còn Nhật Bản là hơn 200% GDP, nhưng với một nước quản trị kém thì 35% đã nguy hiểm rồi.
Do đó, Quốc hội phải yêu cầu Chính phủ công khai, minh bạch kế hoạch vay và trả nợ dài hạn, kể cả dự kiến đến 2020, thậm chí đến 2025. Trả nợ công phải tương ứng với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cách làm này có thể ban đầu chậm, nhưng cơ bản hơn, tốt hơn.
* Đây không phải lần đầu tiên Quốc hội đề cập đến nợ công, nhưng theo ông, xã hội có nên kỳ vọng vấn đề sẽ được xử lý?
- Khó đã dồn đến chân tường, không đừng được nữa! Bộ Tài chính trước đây đã cố gắng vá víu, nhưng nay không giấu được nữa đành phải báo cáo để xin nâng trần nợ công, tăng thuế, song đó không phải là các giải pháp căn cơ.
Bây giờ, nợ công là việc của đất nước, phải tái cấu trúc chi tiêu công và sửa Luật Ngân sách theo hướng Quốc hội giám sát toàn bộ thu chi công. Thu chi ngân sách phải cứng, chỉ được tiêu trong phạm vi Luật Ngân sách cho phép.
* Cảm ơn ông!