Nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh

Lợi nhuận 9 tháng đầu năm của các ngân hàng tăng, song do nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng mạnh buộc các nhà băng phải trích dự phòng cao, nên đã bào mòn kết quả kinh doanh của họ.

Tính đến ngày 30/9, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là 2,16%, tăng nhẹ so với đầu năm, nhưng nợ có khả năng mất vốn lại tăng 72%, lên 5.631 tỷ đồng, chiếm gần một nửa tổng số nợ xấu. Theo lý giải của BIDV, một phần do sáp nhập thêm Ngân hàng Phát triển Đồng bằng Sông Cửu Long (MHB). Kết quả, tổng lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng trong quý III đạt 2.417 tỷ đồng, tăng 21,9% so cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, BIDV ghi nhận lợi nhuận trước thuế 5.535 tỷ đồng, tăng 24,5% so với 3 quý đầu năm 2014.

Nợ nhóm 5 tăng cao khiến dự phòng tăng mạnh, lợi nhuận quý III/2015 của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) giảm 61%. Eximbank đã trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh bất thường, từ 84 tỷ đồng cùng kỳ năm trước, lên 332 tỷ đồng, nên tổng lợi nhuận trước thuế quý III/2015 chỉ còn 110 tỷ đồng, giảm 61% so cùng kỳ. Do đã mạnh tay trích dự phòng, nên tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này giảm từ 2,46% xuống 1,64%.

.
.

Còn tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), tổng số nợ xấu đã tăng thêm 2.869 tỷ đồng sau 9 tháng, nhưng nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh nhất với mức tăng 72% lên 5.631 tỷ đồng, chiếm gần một nửa tổng số nợ xấu. Tính đến cuối tháng 9, Vietcombank có hơn 7.100 tỷ đồng nợ xấu, trong đó 69% là nợ có khả năng mất vốn. Vì vậy, mặc dù các hoạt động kinh doanh của Vietcombank đều tốt lên, song do chi phí hoạt động và dự phòng rủi ro đều tăng mạnh đã kéo giảm lợi nhuận. Vietcombank tăng mạnh phần trích lập dự phòng với mức tăng 24,6% ở quý III và cả 9 tháng tăng 34,3% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả, 9 tháng lợi nhuận trước thuế đạt 4.648 tỷ đồng, cao hơn 11% so với cùng kỳ.

Đối với Sacombank, tổng cộng ngân hàng này đang có 2.345 tỷ đồng nợ xấu, chỉ chiếm 1,6% tổng dư nợ, trong khi, tại thời điểm đầu năm 2015 tỷ lệ này ở mức 1,18%. Thế nhưng, nợ nhóm 5 chiếm đến 1.794 tỷ đồng, tương đương 3/4 tổng số nợ xấu. Kể từ quý IV/2015, báo cáo tài chính của Sacombank sẽ có thêm số liệu từ Southernbank, nên khả năng nợ xấu sẽ cao hơn. Sau khi sáp nhập thêm SouthernBank kể từ 1/10, Sacombank phải "gánh" thêm khoản nợ xấu hơn 4.00 tỷ đồng từ nhà băng này. Do đó, với việc sáp nhập Southern Bank sẽ khiến dự phòng rủi ro của Ngân hàng tăng, nên Sacombank đã dự kiến kết quả hoạt động trong 3 năm đầu sau sáp nhập giảm. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế cả năm 2015 của Sacomban khoảng 1.002 tỷ đồng; năm 2016 là 1.132 tỷ đồng và năm 2017 đạt 1.333 tỷ đồng .

Lợi nhuận 9 tháng đầu năm nay của các ngân hàng thương mại đạt mức tương đối khả quan, song do nợ xấu vẫn tăng, đồng thời phải xử lý lượng nợ xấu lớn thông qua VAMC nên đòi hỏi chi phí dự phòng cao đã khiến lợi nhuận sau trích lập rủi ro teo tóp lại. Sacombank, Techcombank, MB, ACB ghi nhận kết quả kinh doanh khả thi sau 3 quý đầu năm sau khi trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ. ACB lãi gần 1.100 tỷ đồng trước thuế; MB lãi 2.255 tỷ đồng trước thuế; Sacombank lãi trên 2.000 tỷ đồng trước thuế và Techcombank lãi hơn 1.500 tỷ đồng. Thế nhưng, do nợ nhóm 5 vẫn tăng đòi hỏi khoản dự phòng ở mức khá cao.

Theo tổng giám đốc một ngân hàng, nợ xấu, nhất là với nợ nhóm 5 chủ yếu phát sinh từ các khoản vay cũ trước đây đến nay vẫn chưa thể thu hồi. Còn với các khoản vay mới, ngân hàng đã thận trọng hơn rất nhiều trong công tác thẩm định, cho vay và kiểm soát dòng tín dụng nên rủi ro nợ xấu tăng không đáng kể. Điều này cũng được TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng đưa ra nhận định, tiến độ xử lý nợ xấu chậm, trong khi nợ xấu chuyển từ nhóm 2-3 sang nhóm 4-5 lại rất nhanh nên khó tránh nợ có khả năng mất vốn tăng.

Lãnh đạo của một chi nhánh Agribank trên địa bàn TP.HCM cũng cho rằng, khi thị trường còn những khó khăn nhất định, trong khi đó, việc chuyển nợ từ nhóm 3-4 sang nhóm 5 chỉ trong thời gian ngắn khiến ngân hàng không kịp trở tay. Từ đó, dự phòng rủi ro sẽ được đẩy lên mức cao làm giảm mạnh lợi nhuận. Tuy nhiên, vị lãnh đạo trên cho rằng, sự ấm lên của bất động sản sẽ là điều kiện tốt để xử lý nợ.