Những điều nhà đầu tư cần biết khi Fed kết thúc QE

Một số vấn đề mà nhà đầu tư cần biết khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kết thúc chương trình nới lỏng định lượng (QE).

Sau khi nền kinh tế rơi vào khủng hoảng trong giai đoạn 2008-2009, Fed đã bơm tiền với một khối lượng vô cùng lớn ra nền kinh tế Mỹ thông qua các gói QE. Một số nhà đầu tư sẽ cho rằng, về bản chất, quá trình mua trái phiếu Chính phủ và chứng khoán từ các tổ chức tài chính của Mỹ thực chất chỉ là việc Fed thay đổi các hạng mục tài sản nợ và tài sản có trên bảng cân đối, điều này không cho thấy Fed trực tiếp bơm tiền ra nền kinh tế.

Tuy nhiên, chính nhờ những thay đổi trên bảng cân đối mà các ngân hàng có tiền để trực tiếp đưa ra nền kinh tế. Với việc duy trì lãi suất gần 0%, lượng vốn giá rẻ đã tràn ngập trong nền kinh tế Mỹ và tạo đà quan trọng cho sự phục hồi của nền kinh tế. Nói cách khác, Fed đã gián tiếp bơm tiền ra nền kinh tế thông qua các gói QE.

Khi Fed quyết định giảm dần, tiến đến chấm dứt gói nới lỏng định lượng cuối cùng (QE3), điều này cũng đồng nghĩa với bài kiểm tra sức khỏe của nền kinh tế Mỹ bắt đầu. Liệu rằng, nền kinh tế còn có thể tăng trưởng nếu không có sự hỗ trợ này? Investopedia đã đưa ra 7 điều nhà đầu tư cần biết khi Fed chấm dứt gói nới lỏng định lượng QE3.

1. Cung tiền giảm

Với tỷ lệ tăng trưởng GDP hàng năm hiện tại trên 3%, tỷ lệ thất nghiệp chính thức giảm xuống 6%, và lạm phát tích cực gần 2%, nền kinh tế Mỹ gần như đã bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi, một phần cũng nhờ vào số lượng lớn tiền giá rẻ được cung ứng thông qua các gói QE. Sự giảm dần và kết thúc của chương trình mua trái phiếu sẽ góp phần đẩy lùi tình trạng dư cung tiền trong nền kinh tế (yếu tố có thể gây ra lạm phát), và do đó, giúp duy trì lạm phát trong dài hạn ở mức mục tiêu của Fed là 2%.

2. Lãi suất tăng

Trong nhiều năm, lãi suất gần như bằng 0 do các gói kích thích kinh tế khác nhau của Fed, bao gồm cả các gói QE. Kết quả là, các cơ chế tiết kiệm khác nhau như chứng chỉ tiền gửi (CD), các khoản tiết kiệm đã được cung cấp cho người gửi tiết kiệm với mức lãi CD thấp lịch sử và hầu như không theo kịp với lạm phát (Tính cả đến thời điểm hiện tại với tỷ lệ lạm phát vẫn còn cao hơn rất nhiều so với mức lãi suất đang duy trì). Khi chấm dứt các gói nới lỏng định lượng, cung tiền giá rẻ giảm xuống dẫn đến cầu các nguồn tiền khác tăng lên, từ đó làm tăng chi phí để sử dụng các nguồn tiền này, tức lãi suất tăng.

3. Giá trái phiếu giảm

Đương nhiên, giá trị trái phiếu tỷ lệ nghịch với lãi suất, vì vậy khi lãi suất bắt đầu tăng trở lại, giá trái phiếu sẽ giảm. Do đó, các nhà đầu tư đang nắm giữ trái phiếu nên xem xét cân đối lại danh mục đầu tư của họ để đẩy lùi nguy cơ về sự ảnh hưởng tiêu cực bởi lãi suất tăng sẽ dẫn đến xu hướng chuyển từ đầu tư vào trái phiếu sang các tài sản tài chính khác.

4. Định giá lại chứng khoán và các khoản đầu tư khác

Giống như trái phiếu, các khoản đầu tư tính giá trị bằng cách chiết khấu dòng tiền tương lai về hiện tại trên cơ sở lãi suất (chi phí vốn) sẽ phải điều chỉnh giảm trong việc định giá khi lãi suất tăng. Điều này đòi hỏi phải đặt ra câu hỏi về giá trị thực của nhiều công ty được định giá gần đây thông qua các đợt IPO lớn (ví dụ như Facebook (FB) và Alibaba (BABA)), đã được đưa ra thị trường trong thời gian lãi suất gần bằng không, và giá trị của các công ty này có thể không như kỳ vọng khi lãi suất tăng lên.

Do đó, các nhà đầu tư nên xem xét những rủi ro có thể gặp phải với danh mục đầu tư của mình với những công ty đã được định giá trong thời gian gần đây bằng các đợt IPO khi lãi suất trên thị trường bắt đầu có xu hướng tăng trở lại, và giải quyết những rủi ro này bằng cách tái cân bằng danh mục đầu tư khi cần thiết.

Điều quan trọng, nhà đầu tư cần xem xét lại giá trị của các công ty trong điều kiện hiện tại để lựa chọn được mức giá thích hợp cho việc đầu tư, nhằm đảm bảo giá trị của khoản đầu tư trong điều kiện lãi suất có khả năng sẽ tăng trong tương lai.

5. Lãi suất tiết kiệm tăng

Suy thoái kinh tế khiến nhiều nhà đầu tư chuyển hướng sang các hình thức tiết kiệm nhằm đảm bảo an toàn vốn, tránh rủi ro từ sự bất ổn của thị trường tài chính khi khủng hoảng xảy ra. Chính điều này đã khiến khủng hoảng kinh tế càng thêm trầm trọng do thanh khoản thị trường ngày càng sụt giảm.

Một phần lý do của việc giảm lãi suất xuống gần 0% của Fed chính là tác động đến xu hướng tiết kiệm của người dân, chuyển dần dòng vốn đầu tư sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, tiêu dùng với lợi suất cao hơn. Điều này góp phần thúc đẩy đà phục hồi của nền kinh tế. Tuy nhiên, khi gói nới lỏng định lượng kết thúc, lãi suất bắt đầu tăng lên, người dân sẽ có xu hướng tiết kiệm trở lại. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến đà phục hồi của nền kinh tế.

6. Sức mua tăng do đồng USD mạnh hơn

Giả định rằng tăng lãi suất là phản ánh sự gia tăng của tỷ lệ lãi suất thực (lạm phát vẫn ổn định hoặc giảm), các khoản đầu tư của Mỹ sẽ trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, nhà đầu tư nước ngoài sẽ cần nhiều USD hơn, dẫn đến việc giá trị tương đối của đồng USD sẽ gia tăng trong ngắn và trung hạn. Đồng USD mạnh hơn sẽ chuyển thành sức mua tương đối cao hơn của người tiêu dùng Mỹ.

7. Khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất trong nước suy giảm

Đà tăng giá mạnh mẽ của đồng USD so với các đồng tiền của các đối tác thương mại khác ảnh hưởng xấu đến khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất Mỹ xét theo khía cạnh giá cả. Chi phí tương đối của các yếu tố đầu vào trong nước (chi phí lao động và không gian văn phòng), được định giá bằng USD, sẽ cao hơn chi phí đầu vào như lao động và không gian văn phòng tại các địa điểm của các công ty nước ngoài.

Trong trường hợp chi phí đầu vào chiếm một phần không nhỏ trong chi phí sản xuất chung, các nhà sản xuất Mỹ sẽ phải đối mặt với các chi phí tương đối cao hơn, điều này sẽ đẩy giá của họ cao hơn so với giá được cung cấp bởi các nhà sản xuất tại các địa điểm khác, mà chính chi phí sản xuất có thể được định giá bằng đồng nội tệ thấp hơn của họ. Ngoài ra, lợi thế về giá cả hàng hóa bằng ngoại tệ có giá trị thấp hơn khi chuyển sang USD giúp cho đối thủ cạnh tranh nước ngoài của các nhà sản xuất Mỹ có thể cung cấp mức giá tương đối rẻ hơn, và do đó sản phẩm của họ sẽ có giá hấp dẫn hơn cho người tiêu dùng Mỹ.

Trong ngắn hạn, đồng USD mạnh hơn cũng sẽ tác động xấu đến lĩnh vực xuất khẩu của Mỹ, với cùng lý do vừa giải thích - một đồng USD mạnh hơn sẽ dẫn đến giá tương đối cao hơn so với các sản phẩm tương đương trên thị trường quốc tế. Rõ ràng, một đồng USD mạnh hơn sẽ mang lại cho các nhà sản xuất nước ngoài lợi thế cạnh tranh đối với các nhà sản xuất của Mỹ, ít nhất là trong ngắn hạn.