NHNN đang điều chỉnh cam kết cho phù hợp với thị trường

NHNN đang điều chỉnh cam kết cho phù hợp với thị trường

(NDH) Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa tăng tỷ giá lần thứ ba trong năm nay với mức tăng tổng cộng 3% đã phá vỡ cam kết đưa ra đầu năm là không phá giá quá 2% cả năm. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, đây là sự điều chỉnh cho phù hợp hơn với thị trường.

Sau khi NHNN nâng tỷ giá USD/VND thêm 1% và nới biên độ giao dịch từ 2% lên 3% đầu ngày 19/8, Phóng viên Người Đồng Hành đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực về động thái này.

TS. Cấn Văn Lực

Thưa ông, ông có thấy bất ngờ không trước quyết định điều chỉnh tỷ giá và nới biên độ của NHNN?

-Thực ra là khá sớm so với kỳ vọng của thị trường. Thị trường vẫn có kỳ vọng là sẽ có 1 chút điều chỉnh gì đó nữa trong bối cảnh quốc tế hiện nay, nhưng không phải là thời điểm ngay bây giờ mà muộn hơn một chút. Hôm nay NHNN đã xúc tiến rồi.

Tuy nhiên, rà soát lại thực trạng hiện nay thấy có 2 nguyên nhân cơ bản khiến NHNN quyết định như vậy. Một là sau khi Trung Quốc điều chỉnh mạnh tỷ giá tuần trước, nhiều ngoại tệ, đặc biệt là đồng tiền của các nước xuất khẩu cạnh tranh với Việt Nam, tỷ giá tiếp tục giảm khá mạnh trong 1 tuần vừa qua, với mức giảm từ 1% đến 2%. Thứ hai là đồng USD tiếp tục tăng lên. Như vậy, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất vào quý IV/2015 là khá cao.

Như vậy, NHNN phải có động thái để thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh xuất khẩu chưa được khả quan như mong muốn, đồng thời lường trước khả năng Fed tăng lãi suất trong quý tới.

Quyết định này có điều đáng quan tâm là NHNN phải đánh đổi uy tín của mình, phá cam kết không điều chỉnh tỷ giá quá 2% cả năm…

Không. Ban đầu NHNN đưa ra cam kết, đưa ra định hướng và đưa ra điều hành đầu năm như thế. Nhưng bối cảnh đã thay đổi, đặc biệt là bối cảnh quốc tế năm nay có những thay đổi rất lớn, nhất là tại Trung Quốc. Chúng ta không thể ôm khư khư cam kết đó, không làm gì cả. Làm sao mà đứng vững cạnh tranh được.

Nói là đánh đổi cũng không hẳn. Rõ ràng là NHNN đã phải điều chỉnh cam kết của mình cho phù hợp hơn với thị trường. Đấy cũng là yêu cầu của thị trường. Đấy cũng là yêu cầu của doanh nghiệp và của cả Chính phủ.

Bối cảnh quốc tế đã thay đổi rất lớn thì mình phải có hành động, phản ứng kịp thời, chứ cứ khư khư chờ thì không được. Tất nhiên, để NHNN giải tỏa được tâm lý suy nghĩ như vừa nói thì phải có truyền thông, phải có giải thích, trao đổi rất rõ với thị trường.

Ông có kịch bản nào cho tỷ giá từ giờ đến cuối năm?

Kịch bản thì tôi vẫn nhắc lại là năm nay điều hành tỷ giá áp lực rất căng thẳng, căng hơn nhiều so với các năm trước. Bởi vì bối cảnh bên ngoài, đặt biệt là quốc tế, chúng ta chưa lường hết trước được. Cho nên, việc NHNN có tiếp tục duy trì được mức tỷ giá như bây giờ hay không con tùy thuộc vào 2 biến cố rất quan trọng. Một là chính sách tỷ giá của Trung Quốc và hai là chính sách lãi suất của ngân hàng trung ương Mỹ. Đây là 2 đối tác vô cùng quan trọng đối với Việt Nam.

Liệu có trường hợp NHNN sẽ điều chỉnh tăng tỷ giá trở lại để phù hợp với cam kết ban đầu không?

Không. Như thế là đi ngược với thời đại. Đa số các nước đều giảm giá đồng tiền của họ, kể cả Trung Quốc từ nay đến cuối năm, dù cam kết không phá đến 10%, nhưng có thể họ sẽ phá giá tiếp. Mà Trung Quốc phá giá tiếp thì các đồng tiền khác cũng sẽ giảm giá theo. Chúng ta làm sao tăng được, như thế sẽ giết chết doanh nghiệp xuất khẩu ngay lập tức.

Điều đó sẽ không xảy ra.

Xin cảm ơn ông!