Nhìn từ tái cơ cấu TCTD tại Hà Nội

Về cơ bản, các hoạt động tiềm ẩn rủi ro đã được TCTD từng bước khắc phục, chất lượng hoạt động quản trị điều hành được nâng cao, cơ cấu tổ chức từng bước tinh gọn, tập trung và hoạt động hiệu quả….


Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Văn Sửu, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội có lẽ là một trong những người bày tỏ sự lạc quan nhất về tiến trình và hiệu quả tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn của mình. Ở một sự kiện diễn ra hồi tháng 4/2014, ông nhìn nhận: Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, việc cơ cấu lại các TCTD bằng nguồn lực của khu vực tư nhân và hệ thống ngân hàng vừa đảm bảo giữ an toàn, không giảm đầu tư và làm gián đoạn cung cấp dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, cho thấy sự cố gắng rất lớn của hệ thống ngân hàng trong thời gian qua.

So với các địa phương khác trên cả nước, các TCTD trên địa bàn Hà Nội thuộc nhóm đầu về thực hiện tái cơ cấu. Chỉ sau khoảng hơn 2 năm triển khai tái cơ cấu theo Quyết định số 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, số lượng TCTD trên địa bàn Thủ đô có sự thay đổi nhanh chóng: giảm 5 chi nhánh NHTM Nhà nước, một NHTMCP; đồng thời tăng một NHTMCP và một số phòng giao dịch của NHTM Nhà nước được nâng cấp lên thành chi nhánh. Hà Nội cũng đang tiếp tục chỉ đạo hoàn thành việc tái cơ cấu đối với GP Bank, PGBank...

Trong một số báo cáo của Hà Nội về tiến trình tái cơ cấu DNNN, đầu tư công, hệ thống các TCTD, cũng nhận xét: trong quá trình thực hiện, an toàn hoạt động của TCTD được đảm bảo và khả năng chi trả được cải thiện. Về cơ bản, các hoạt động tiềm ẩn rủi ro đã được TCTD từng bước khắc phục, chất lượng hoạt động quản trị điều hành được nâng cao, cơ cấu tổ chức từng bước tinh gọn, tập trung và hoạt động hiệu quả…

Các nội dung tái cơ cấu quan trọng cũng được xác định cụ thể. Chẳng hạn, các TCTD đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng và giảm dư nợ xấu. Đối với chất lượng các khoản đầu tư, các TCTD đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các khoản đầu tư chứng khoán nhất là trái phiếu các tổ chức kinh tế, giám sát tình hình tài chính, tình hình hoạt động kinh doanh của các DN.

Về thanh khoản, so với thời điểm tình hình thanh khoản của một số TCTD trên địa bàn gặp nhiều khó khăn (cuối 2011 đầu năm 2012), thì từ năm 2013 đến nay tỷ lệ dư nợ trên vốn huy động (LDR) duy trì ở mức dưới 80%, nâng cao khả năng chi trả của TCTD.

Đáng chú ý là công tác xử lý nợ xấu đã có những kết quả rất rõ rệt. Tính đến cuối năm 2013, tổng số nợ xấu đã được các TCTD trên địa bàn Hà Nội xử lý là 20.780 tỷ đồng. Nổi bật trong kết quả này là vai trò của các NH trong kết nối giải quyết khó khăn cho DN, khách hàng vay.

Theo đó, số nợ xấu sau khi cùng hợp tác xử lý thì khách hàng trả nợ được lên tới 5.243 tỷ đồng, xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ xấu 1.367 tỷ đồng… Các TCTD cũng chủ động sử dụng dự phòng rủi ro xử lý nợ xấu 4.117 tỷ đồng, bán nợ xấu cho các công ty quản lý tài sản, công ty mua bán nợ và các tổ chức, cá nhân khác 4.750 tỷ đồng...

Đối với trọng tâm quá trình tái cơ cấu của TCTD là hoạt động ổn định, tăng trưởng gắn liền với phát triển bền vững. Trong thời gian qua, TCTD đã đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trong hai phân khúc khách hàng chiến lược là khách hàng cá nhân và DNNVV.

Theo đó, TCTD đã và đang phát triển, hoàn thiện bộ sản phẩm chuẩn cho phân khúc này, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách hàng trong các khía cạnh như giao dịch, tiết kiệm, vay vốn, đầu tư và bảo hiểm. Đến cuối năm 2013, tỷ lệ sinh lời của TCTD đã được nâng cao rõ rệt, lợi nhuận sau thuế năm sau cao hơn năm trước. Các chỉ tiêu về khả năng sinh lời ROA, ROE bình quân lần lượt là 0,8%, 13%. Thu nhập lãi thuần của TCTD chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng thu nhập hoạt động.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận rằng, hoạt động của TCTD vẫn chỉ bao gồm các dịch vụ, sản phẩm truyền thống, việc phát triển theo hướng đa năng, hiện đại chưa thực sự được triển khai rộng rãi. Do vậy, trong tương lai gần thì TCTD của Hà Nội mới đang hướng tới thuộc những TCTD hàng đầu Việt Nam, việc hướng tới tiêu chuẩn của khu vực vẫn cần nhiều hơn nữa những nỗ lực của ban lãnh đạo các TCTD trong việc cơ cấu lại tổ chức và hoạt động.