BOJ giữ nguyên cam kết tăng lượng tiền cơ sở 80 nghìn tỷ Yên (tương đương 660 tỷ USD)/năm.
Trước đó, nhiều dự đoán cho rằng BOJ sẽ không đẩy mạnh chương trình nới lỏng định lượng (QE) do các số liệu kinh tế đang đan xen giữa tích cực và tiêu cực.
Chương trình QE này được đưa ra năm 2013 và được coi như “mũi tên” đầu tiên của chiến dịch Abenomics do Thủ tướng Shinzo Abe đưa ra nhằm đưa kinh tế Nhật Bản thoát khỏi hơn 1 thập kỷ giảm phát.
Thống đốc BOJ - ông Haruhiko Kuroda - cho biết khung thời gian sớm nhất để đạt mức lạm phát mục tiêu là trong 2 năm tới. Ông cho biết BOJ sẽ không ngần ngại thực hiện các điều chỉnh chính sách cần thiết khi xu hướng giá điều chỉnh rộng.
Kể từ tháng 10/2014, BOJ đã không mở rộng chương trình kích thích kinh tế ngay cả khi giá dầu và xuất khẩu sụt giảm, kinh tế Trung Quốc giảm tốc, gây khó khăn cho BOJ cho việc đạt mục tiêu lạm phát 2%.
Số liệu công bố hôm 29/10 cho thấy sản lượng công nghiệp trong tháng 9 tăng 1% so với tháng 8, trái ngược với kết quả cuộc thăm dò của Reuters khi đa phần cho rằng sản lượng sẽ giảm 0,5%.
Ông Marcel Thieliant - chuyên gia kinh tế tại Capital Economics - cho rằng sự phục hồi của sản xuất công nghiệp trong tháng 9 cùng dự báo lạc quan trong quý IV/2015 sẽ giảm khả năng BOJ tiếp tục tăng chương trình QE.
Bên cạnh đó, nhà kinh tế trưởng của Credit Suisse Securities lại cho rằng BOJ đang chờ đợi xem Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có tăng lãi suất vào tháng 12/2015 hay không sau đó mới đưa ra quyết định nới lỏng định lượng.