Còn nhớ cách đây khoảng hơn một năm, khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) rục rịch thành lập VAMC), GS,VS Trương Công Phú, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Kinh tế thuộc Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã gọi điện đến báo Đại Đoàn kết và mong muốn được "phản biện" về vấn đề này.
Khi đó, theo GS,VS Trương Công Phú, thì không nên để chính NHNN lại đứng ra thành lập một cơ quan mua bán nợ của khối các ngân hàng mà cơ quan đó lại trực thuộc …. chính mình. Đặc biệt lưu ý, nếu điều đó xảy ra, NHNN thực ra đang mua bán nợ của chính mình, theo kiểu "tôi đi mua tôi". Và, việc đó chẳng khác là bao với nghĩa của thành ngữ "đánh bùn sang ao".
Dĩ nhiên, điều cốt yếu cuối cùng là xử lý nợ xấu, sẽ được hiểu đơn giản như kiểu đưa về (nhập về một đầu mối) ở một "nhà kho"?
Và cho đến hôm nay, đó vẫn là một "nồi lẩu thập cẩm" trong cái gọi là VAMC của chính NHNN mà thôi!
Hôm qua, theo các cơ quan báo chí cho biết, tại nghị trường Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13, một số đại biểu (và cũng là các chuyên gia kinh tế hàng đầu) đã so sánh VAMC như một nhà "kho" đang giam nợ xấu, nếu không xử lý thì 5 năm sau khi mở kho, nợ xấu sẽ... "bốc mùi". Báo Thanh Niên dẫn lời TS Phạm Huy Hùng - người từng giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) rằng VAMC thực chất chỉ đem đến một giải pháp kỹ thuật, không khác gì một kho chứa nợ xấu. Việc NHNN cho phép các tổ chức tín dụng được bán nợ trong vòng 5 năm cho đơn vị này sẽ tiềm ẩn đầy rủi ro, nguy hiểm.
Cùng quan điểm với TS Hùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Công Thương Lê Đức Thọ cho rằng: "Cách mà VAMC đang làm giống như một siêu thị, ở đó có nhiều mặt hàng từ xi măng, sắt thép, phân bón, bất động sản… Họ phải phân loại từng món, từng lô rồi đưa ra chào hàng. Nhưng điều quan trọng phải có thời gian và cơ chế đặc biệt để bán, để xử lý chứ không phải bán tống, bán tháo và với cơ chế còn rất khó khăn như hiện nay".
Trên thực tế, việc mua (tức là nhập kho) nợ xấu trong vòng hơn một năm qua của VAMC đã không hề dễ dàng, thì ngay cả con số mua được và mang đi bán ra (xuất kho) cũng hình như chỉ là con số …. không thể công bố. Vì nếu viện dẫn chi tiết, sẽ cho ra những con số mua/bán cũng không thể …. xấu hổ hơn.
Đơn cử tính đến ngày hôm qua, 27-10, trong tổng số 6.203 khoản nợ của 73 tổ chức tín dụng có trị giá nợ gốc khoảng trên 93.200 tỷ đồng cần phải "nhập kho", VAMC đã đưa về "siêu thị" của mình được khoảng 76.000 tỷ đồng. Trong đó, số "xuất kho" khỏi VAMC, cũng đã được tới …. 2.500 tỷ đồng. Đây, rõ ràng là con số biết nói không thể biện minh cho những lập luận của chính VAMC về cái gọi là mua và bán nợ xấu trong vòng hơn một năm qua!
Chuyên gia kinh tế, TS Trịnh Quang Anh nhận xét, nợ xấu vẫn đang là khối u khiến một số ngân hàng lâm trọng bệnh. Nhưng một số ngân hàng không chết ngay mà sống thoi thóp bằng cách bán nợ cho VAMC. Còn VAMC thì gom lại nợ xấu và mỗi năm trích 20% dự phòng rủi ro để trả nợ. Có nghĩa là, dùng lợi nhuận trong tương lai để trang trải nợ xấu của quá khứ. Cách này chúng ta vẫn gọi là bắt anh cày cuốc, trong khi anh hoàn toàn không có sức để làm việc.
"Nhìn bề ngoài, hệ thống ngân hàng đang có vẻ ổn định nhưng đang phải sống chung với căn bệnh nợ xấu trầm kha. Nợ xấu đến giờ, nếu như không thể giải quyết, không có đột phá thì tự ngân hàng không thể một mình giải quyết được" - TS Quang Anh thẳng thắn nói.
Nhưng để giải thoát sự ách tắc giữa nhập kho và xuất kho nợ xấu như thế nào và bằng biện pháp nào lại không bao giờ có câu trả lời đơn giản.
Trả lời phỏng vấn của báo Thanh Niên ngày hôm qua, 27-10, TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng việc "đầu ra" bị tắc sau khi mua nợ, rồi đấu giá thất bại của VAMC là do vướng mắc từ cơ chế xử lý tài sản đảm bảo; các mức giá đưa ra cao hơn giá thị trường, nên không ai dám mua. Nhưng để giá thấp thì VAMC bị lỗ. Vấn đề phải tháo gỡ khó khăn này, xác định rõ quan điểm bảo toàn giá trị cho từng món nợ hay chấp nhận xử lý nó theo cơ chế thị trường.
Tuy nhiên, phải phân loại rõ từng món nợ, nợ của bất động sản có thể bán lỗ do thị trường đang đóng băng không thể hồi phục, nhưng bù lại ở các lĩnh vực khác tốt hơn bán lãi bù đắp vào. Khi đó, VAMC vẫn đảm bảo mục tiêu không bị ăn vào vốn mà vẫn linh hoạt xử lý được tài sản. Bán theo giá thị trường phải chấp nhận có lỗ, có lãi còn cứ đòi giá cao thì không thể bán được.
Mà nếu không giải quyết được, tức không "xuất kho" được nợ xấu, thì đương nhiên sẽ mãi mãi là gánh nặng của nền kinh tế chứ không chỉ là của riêng NHNN hoặc VAMC!