Nhân viên ngân hàng đánh giá thấp các chương trình tái cấu trúc
Ngành ngân hàng Việt Nam hiện đang trong quá trình tái cơ cấu để phát triển. Thành công của quá trình này phụ thuộc nhiều vào tài lãnh đạo và kỹ năng quản lý sự thay đổi, tạo động lực và gắn kết đội ngũ, đảm bảo đội ngũ trung thành và cam kết trước thử thách mới. Việc xác định, phát triển, quản lý và giữ chân tài năng luôn là mục tiêu chính của các ngân hàng trong quá trình tái cơ cấu.
Phát biểu trong buổi hội thảo "Phát triển và Quản lý nhân tài trong ngành Tài chính ngân hàng Việt Nam" diễn ra vào sáng ngày 26/9, ông Phạm Duy Hiếu, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) cho rằng hiện nay khoảng cách giữa các tổ chức tín dụng ở Việt Nam không quá lớn. Do đó chỉ cần một sự bứt phá có thể khiến một ngân hàng hơn hẳn những đối thủ còn lại. Đội ngũ nhân viên chính là những người đóng vai trò quan trọng trong việc thành công của một chương trình tái cấu trúc.
Tuy nhiên, theo ông Hiếu, việc dẫn dắt đội ngũ nhân viên vượt qua giai đoạn tái cấu trúc ngân hàng hiện nay đang gặp phải hai khó khăn chính.
Thứ nhất là đội ngũ cán bộ nhân viên không quan tâm đến những vấn đề chiến lược của công ty. "Chỉ có dưới 10% nhân viên quan tâm đến những vấn đề chiến lược của công ty.", ông Hiếu nói.
Khó khăn thứ hai là các nhân viên ngân hàng Việt Nam hiện nay đang đánh giá thấp tầm quan trọng và lợi ích của các chương trình tái cấu trúc trong khi lại đánh giá cao những gì mình đang có. Ông Hiếu cho rằng có thể vì họ sợ mất đi những gì đang có nên họ không tích cực ủng hộ những chương trình này.
Bốn lý do khiến nhân viên đối kháng với sự thay đổi
Ông Phạm Duy Hiếu, Tổng giám đốc ABBank |
Giải thích về nguyên nhân khiến nhiều nhân viên ngân hàng phản đối các chương trình tái cấu trúc, Tổng giám đốc ABBank cho rằng có bốn nguyên nhân chính.
Đầu tiên là do các nhân viên này không nhận ra rằng thay đổi có thể đem lại lợi ích cho họ.
Các nhà lãnh đạo luôn nói về lợi ích của việc tái cấu trúc đối với ngân hàng nhưng lại quên đi việc đề cập về lợi ích mà các nhân viên của họ được hưởng. "Nếu họ không biết về lợi ích của mình, họ sẽ không làm, không ủng hộ.", ông Hiếu nhấn mạnh.
Lý do thứ hai được Tổng giám đốc ABBank nhắc đến là vì nhân viên "không biết cái giá phải trả để có được lợi ích từ sự thay đổi.". Theo ông Hiếu, "các lãnh đạo có thể nói rằng sau khi tái cấu trúc, lương nhân viên sẽ được tăng gấp đôi. Nhưng họ quên mất nói về những điều nhân viên của mình phải làm để đạt được điều đó.".
Nguyên nhân thứ ba khiến quá trình tái cấu trúc không nhận được sự ủng hộ, đồng tình của nhân viên là do họ không được tham gia vào việc tạo dựng thay đổi. "Trong một ngân hàng, đôi khi chỉ có một đội dự án tham gia vào việc tái cấu trúc, còn những nhân viên khác không hề được đóng góp ý kiến.", ông Hiếu nói. "Họ chỉ nhìn thấy mặt trái của việc tái cấu trúc là có thể dẫn đến cắt giảm nhân sự, giảm lương hay tăng giờ làm".
Cuối cùng, đó là do các nhân viên thiếu sự tin tưởng vào những người thiết kế sự đổi thay. "Những nhà lãnh đạo cần phải tích cực PR, ca ngợi đội ngũ thiết kế thì việc tái cấu trúc mới thành công được.", ông Hiếu nhấn mạnh.
Thiếu niềm đam mê để thành công
Tổng giám đốc ABBank cho rằng có 3 yếu tố dẫn đến thành công của một chương trình tái cấu trúc. Đó là : niềm đam mê, chương trình hành động và kỷ luật.
"Các bạn hãy coi chương trình tái cấu trúc giống như một đoàn tàu. Niềm đam mê giống như nhiên liệu, chương trình hành động giống như cỗ máy và kỷ luật giống như đường ray mà đoàn tàu chỉ được chạy trong giới hạn đó.", ông Hiếu ví von.
Nhà lãnh đạo này cũng cho rằng trong khi chương trình hành động và kỷ luật là những điều mà các ngân hàng Việt Nam có thể làm tốt thì "đam mê chính là điều mà đội ngũ nhân viên của chúng ta đang thiếu".
Theo ông Hiếu, "một nhà lãnh đạo bình thường là người chỉ giải quyết những chướng ngại, trong khi những nhà lãnh đạo vĩ đại là người biết tạo ra động lực và truyền cảm hứng cho nhân viên.".
Bí quyết truyền cảm hứng cho nhân viên
Để có thể truyền cảm hứng cho nhân viên, điều đầu tiên các nhà lãnh đạo cần làm là "khơi gợi niềm đam mê" bằng cách nói về tương lai thường xuyên. "Các nhà lãnh đạo Việt Nam 'mắc bệnh' nói về quá khứ và hay chú trọng vào chỉ tiêu mà quên đi việc nhắc đến tương lai.", ông Hiếu nói. "Tuy nhiên, để việc đề cập đến tương lai tăng tính thuyết phục, chúng ta cần đưa ra các số liệu cụ thể."
Ông Hiếu cũng khuyến khích các nhà lãnh đạo ngân hàng nên cho nhân viên của mình được tham gia đóng góp vào quá trình thay đổi. Điều đó sẽ giúp nhân viên nhận thấy được sự trân trọng đối với vai trò và tiếng nói của mình được .
Bên cạnh đó, Tổng giám đốc ABBank cho rằng động viên là cách truyền cảm hứng tuyệt vời mà các nhà lãnh đạo nên làm. "Đôi khi chỉ một câu khen ngợi sẽ có tác dụng hơn cả việc tăng lương." ông Hiếu nói.
Hội thảo "Phát triển và Quản lý nhân tài trong ngành Tài chính ngân hàng Việt Nam" do Viện nhân lực ngân hàng tài chính BTCI phối hợp với Trung tâm Pháp Việt Đào tạo về quản lý (CFVG) tổ chức, dưới sự bảo trợ nội dung của Hiệp hội ngân hàng Việt Nam.