Nhân dân tệ khiến các nước Châu Á nợ thêm 14 tỷ USD

Nhân dân tệ khiến các nước Châu Á nợ thêm 14 tỷ USD

(NDH) Sự mất giá của đồng Nhân dân tệ đang kéo theo cuộc chiến giảm giá của các đồng tiền khác tại Châu Á. Hậu quả là giá trị những khoản nợ bằng ngoại tệ tại khu vực này ngày càng tăng lên.

Theo hãng tin Bloomberg, gần 1,6 nghìn tỷ USD nợ trái phiếu và tín dụng ngoại tệ của khu vực Châu Á ngoài Nhật Bản và Trung Quốc đã tăng giá thêm 14 tỷ USD đối với các doanh nghiệp phải trả nợ bằng ngoại tệ. Việc hoàn trả khoản nợ cũng như thanh toán lãi vay của các công ty Châu Á đang bị ảnh hưởng do đà giảm giá của nhiều đồng tiền trong khu vực sau động thái phá giá của Trung Quốc.

Quyết định điều chỉnh cơ chế điều hành tỷ giá mới đây của ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) đã khiến đồng Nhân dân tệ giảm giá mạnh, qua đó thúc đẩy một loạt các đồng tiền khác giảm giá theo. Đồng Rupiah của Indonesia và Ringgit của Malaysia đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1998, trong khi đồng Bath của Thái Lan giảm xuống mức thấp nhất trong 6 năm qua.

Đồng Nhân dân tệ giảm giá đã tác động lan rộng trên các thị trường nợ. Chi phí bảo hiểm trái phiếu chính phủ của Malaysia đã đạt 171,5 điểm cơ bản, mức cao nhất kể từ tháng 10/2011. Chi phí bảo hiểm trái phiếu tại các nước như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ và Việt Nam cũng lên mức cao chưa từng thấy trong hơn 1 năm qua.

Các nhà đầu tư cũng đang đòi mức lợi suất cao hơn cho các trái phiếu dưới mức khuyến nghị đầu tư tại Châu Á.

Indonesia là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất trên thị trường tín dụng. Hãng Nikko Asset Management cho biết các công ty có mức lợi suất trái phiếu cao tại đây đều vay nợ chủ yếu bằng đồng USD. Trong khi đồng Rupiah giảm giá, lợi nhuận của các doanh nghiệp này tính bằng USD sẽ suy giảm gây ảnh hưởng đến việc trả nợ, nguyên nhân đều bắt nguồn từ Nhân dân tệ.

Trái phiếu bằng đồng USD của hãng sản xuất lốp xe PT Gajah Tunggal và công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi Pt Japfe Comfeed Indonesia đã giảm giá xuống mức thấp nhất vào đầu tuần này khi đồng Rupiah mất 1,8% giá trị. Cả 2 doanh nghiệp trên cũng bị Standard & Poor hạ bậc xếp hạng tín nhiệm do đồng nội tệ yếu ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.

Tại Malaysia, đồng Ringgit đã mất giá 2,3% và tăng trưởng kinh tế quý II của nước này ở mức thấp nhất trong gần 2 năm qua. Một trong những nguyên nhân là việc ban hành thuế tiêu thụ mới khiến hoạt động đầu tư của phân khúc tư nhân bị suy giảm. Ngoài ra, những cáo buộc tham nhũng với Thủ tướng Nazib Razak cũng khiến các quỹ đầu tư nước ngoài rút 3 tỷ USD khỏi thị trường chứng khoán.

Lợi suất đòi hỏi của nhà đầu tư đối với trái phiếu kỳ hạn 10 năm của tập đoàn dầu khí quốc gia Petronas, loại trái phiếu có tính thanh khoán cao nhất nước, đã tăng 11 điểm phần trăm từ đầu tuần tới nay, lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2015.

Hãng Taikang Asset Management cho biết họ rất lo lắng về tác động của Nhân dân tệ tới thị trường tiền tệ Malaysia. Nhiều quỹ đầu tư Châu Á nắm giữ các trái phiếu lớn, như của Petronas, và những diễn biến tiêu cực trên cho thấy nhà đầu tư đang rút khỏi thị trường này.

Bloomberg nhận định động thái của PBOC đã tác động mạnh đến thị trường chứng khoán khu vực khi chỉ số của các thị trường mới nổi tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2011.

Một số đồng tiền trong khu vực đã phục hồi nhẹ sau khi PBOC tuyên bố không có cơ sở để họ cố gắng giảm giá đồng Nhân dân tệ như những thông tin trên thị trường. Theo cơ quan này, sự điều chỉnh tỷ giá hôm 11/8 phản ánh việc bắt đầu một cơ chế quản lý mới và PBOC cơ bản đã hoàn tất kế hoạch thay đổi này.

Tập đoàn Avia Investor Global Service nhận định tình hình vẫn chưa quá mức tồi tệ nhưng động thái của Trung Quốc đã bắt đầu ảnh hưởng lan rộng đến các thị trường khác trong khu vực.