Một tạp chí dẫn lời ông Zhou Chengjun thuộc phòng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc nói rằng việc đẩy mạnh khả năng chuyển đổi của đồng Nhân dân tệ trong tài khoản vốn và tài khoản tài chính là điều cần thiết để đồng tiền này được sử dụng rộng rãi hơn trên toàn cầu.
Điều này làm dấy lên đồn đoán rằng ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ bớt can thiệp một khi đồng Nhân dân tệ được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa vào giỏ tiền tệ dự trữ toàn cầu.
Tại thị trường trong nước, đồng Nhân dân tệ chốt phiên ngày 18/11 giảm 0,1% xuống 6,3849 Nhân dân tệ/USD tại Thượng Hải. Nhân dân tệ trước đó đã xuống tận 6,3857 Nhân dân tệ/USD, mức thấp nhất kể từ ngày 10/9.
Kể từ đầu tháng 11, Nhân dân tệ đã giảm 1,1%, trong khi đồng USD tăng 2%.
Theo một chuyên gia kinh tế của Oversea-Chinese Banking Corp, thị trường đang kiểm nghiệm xem liệu PBOC có chịu được việc đồng Nhân dân tệ yếu đi hiện nay khi đồng Nhân dân tệ có khả năng sẽ được thêm vào quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của IMF và khi đồng USD đang mạnh lên.
Việc tài khoản vốn được mở rộng hơn sẽ tạo áp lực khiến Nhân dân tệ giảm trong ngắn hạn, nhưng nó cũng sẽ thu hút dòng vốn đổ vào trong trung và dài hạn.
Hôm thứ Sáu tuần trước, giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde cho biết tổ chức của bà đã khuyến nghị đưa đồng Nhân dân tệ vào giỏ SDR, hiện đã có sẵn các đồng USD, Euro, Bảng Anh và Yên. Đề xuất này có thể sẽ được thông qua vì Mỹ ủng hộ việc đưa đồng tiền của Trung Quốc vào giỏ tiền tệ này miễn là nó đáp ứng được yêu cầu của IMF.
Theo ông Alan Greenspan, cựu chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), việc đưa đồng Nhân dân tệ vào SDR là "tất yếu" nhưng vấn đề thực sự là liệu đồng tiền này có được phép thả nổi hay vẫn bị can thiệp vì những lý do chính trị.
Trên thị trường quốc tế, đồng Nhân dân tệ giảm 0,23% xuống 6,4187 Nhân dân tệ/USD tại Hồng Kông.
PBOC đã điều chỉnh giảm tỷ giá tham chiếu của đồng Nhân dân tệ ở thị trường trong nước đi 0,09% còn 6,3796 Nhân dân tệ/USD, mức thấp nhất kể từ ngày 31/8.