Những quy định, yêu cầu đối với nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia vào quá trình xử lý nợ xấu của Việt Nam có thể đặc thù, không nhất thiết cần giống như các thị trường khác. Thậm chí có thể là những quy định khiến nhà đầu tư cảm thấy phải mạo hiểm. Tuy nhiên, họ sẵn sàng mạo hiểm nếu Việt Nam có những hướng dẫn cụ thể, nhất quán và rõ ràng về xử lý nợ xấu.
Chia sẻ tại Hội thảo Gateway to Vietnam 2014, nhiều nhà đầu tư ngoại cho rằng thời điểm này là cơ hội vàng để Việt Nam thu hút đầu tư cho hệ thống ngân hàng và khắc phục nợ xấu.
Chuyên gia kinh tế Tổ chức tài chính quốc tế IFC cho rằng, Việt Nam chưa đánh giá đúng về quan điểm của nhà đầu tư nước ngoài với nợ xấu. Nhà đầu tư nước ngoài không quan tâm đến việc nợ xấu hiện đang ở mức bao nhiêu %. Cái họ cần là những định hướng chắc chắn về giải pháp khắc phục, và một hệ thống quy định cụ thể, rõ ràng, kể cả là mạo hiểm cho họ khi tham gia thị trường mua bán nợ.
Quy định với nhà đầu tư nước ngoài và Quy định về xử lý tài sản đảm bảo cũng được đánh giá là đang gây nhiều khó khăn nhất cho quá trình khắc phục nợ xấu. Theo các chuyên gia tài chính, có thể có nhiều giải pháp cho các vấn đề này, chứ không nhất thiết phải chờ sửa luật.
Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch không có câu trả lời cụ thể cho việc bao giờ giải quyết dứt điểm nợ xấu. Nhưng những giải pháp đồng bộ gần đây như tập trung tăng tổng cầu nền kinh tế, ngân hàng nghiêm tục trích lập dự phòng, khiến ông lạc quan.
VAMC hiện mới chỉ giống như chiếc xe được đề pa. Theo các chuyên gia, cần phải trao thêm quyền cho VAMC nếu muốn cỗ xe này thực sự chạy. Việc bán nợ của VAMC phải theo giá thị trường và điều này đã được Chính phủ bật đèn xanh. Việc định giá nên căn cứ vào các tổ chức kinh tế độc lập và thẳng thắn chấp nhận tỷ lệ thu hồi không cao. Đến nay, tỷ lệ thu hồi thành công nhất là Hàn Quốc với mức 45%.