Nhà băng “chạy đua” tăng trưởng tín dụng cuối năm 

Nhà băng “chạy đua” tăng trưởng tín dụng cuối năm 

Epress - Huy động vốn tại các ngân hàng có xu hướng tăng mạnh, nhưng tăng trưởng cho vay lại “ì ạch”. Để “kích” tăng trưởng tín dụng cho những tháng cuối năm, ngân hàng phải làm gì để đẩy mạnh hoạt động này.

Huy động tỷ lệ nghịch với cho vay

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, trong 7 tháng đầu năm 2014, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống chỉ đạt khoảng 3,68%, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra trước đó là 12-14%/năm.

Bên cạnh đó, trong khi huy động vốn tại các ngân hàng có xu hướng tăng thì tăng trưởng cho vay lại rất thấp, thậm chí là "ì ạch". Cụ thể, Vietcombank tăng trưởng huy động đạt 13,90% nhưng tăng trưởng cho vay chỉ đạt 6,65%; Sacombank tăng trưởng huy động là 12,60%, tăng trưởng cho vay đạt 9,61% trong khi đó Eximbank và PVcomBank tăng trưởng cho vay và huy động đều âm.

Trao đổi với Epress.vn về vấn đề trên, Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Trần Vinh Dự cho biết: "Việc huy động vốn tại ngân hàng tăng nhưng cho vay lại giảm, điều này cho thấy hai điểm. Thứ nhất là người giữ tiền đang chọn phương án an toàn, thay vì đầu tư thì họ chọn việc gửi tiền để lấy lãi, dù là lãi suất tiền gửi hiện nay đã khá thấp. Nói cách khác họ vẫn có cái nhìn thận trọng về nền kinh tế và kỳ vọng của họ về tương lai của nền kinh tế còn khá ảm đạm. Thứ hai, các ngân hàng đang gặp thách thức lớn về việc tìm được các doanh nghiệp tốt để cho vay. Điều này cũng bình thường vì các doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung vẫn trong giai đoạn giảm nợ sau nhiều năm tăng trưởng nóng với tỷ lệ nợ quá cao".

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Trần Vinh Dự còn cho biết thêm, việc không đẩy được tăng trưởng tín dụng có lẽ là một thực tế không mấy vui cho các ngân hàng thương mại, tuy nhiên, về tổng thể nền kinh tế thì điều này lại tốt. Vì với thực tế hiện nay, khi quá trình giảm nợ còn chưa xong thì việc đẩy nợ lên quá nhanh trong khu vực doanh nghiệp là không có lợi.

Tăng trưởng tín dụng bằng… khuyến mãi

Để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, hiện nay, nhiều nhà băng triển khai các chương trình khuyến mãi cho vay ưu đãi.

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) triển khai "Tín dụng 5.000 tỉ đồng" từ nay đến hết ngày 31.12. Theo đó, sẽ có 2 gói tín dụng ưu đãi gồm gói tín dụng ngắn hạn với tổng hạn mức 3.000 tỉ đồng, lãi suất cho vay chỉ từ 6,7%/năm dành cho khách hàng doanh nghiệp có nhu cầu vay bổ sung vốn ngắn hạn; gói tín dụng trung dài hạn với tổng hạn mức 2.000 tỉ đồng, lãi suất cho vay cố định 12 tháng đầu chỉ từ 9,79%/năm dành cho khách hàng doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn trung dài hạn.

Đã có 24 khách hàng là doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội được Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritimebank) cho vay với hạn mức tín dụng 1.000 tỉ đồng trong chương trình "Ký kết hỗ trợ vốn vay, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp". Các doanh nghiệp này có khoản vay được giải ngân đến cuối năm 2014 sẽ hưởng mức lãi suất từ 7-8% đối với khoản vay ngắn hạn và 9-11% đối với những khoản vay trung hạn.

Không nằm ngoài "cuộc chơi", Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) triển khai gói ưu đãi lãi suất 1.000 tỉ đồng, trong đó lãi suất vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh chỉ còn dưới 10%/năm. Còn khách hàng vay mua, xây nhà, mua xe và vay tiêu dùng cá nhân lãi suất chỉ từ 8,5%/năm trong 12 tháng đầu tiên, mức vay từ 100 triệu đồng kỳ hạn 24 tháng trở lên.

Trong các khoản cho vay ưu đãi, hiện nay Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho vay với lãi suất cực thấp, chỉ 5% với tổng giá trị đến 2.000 tỉ đồng dành cho khách hàng mua nhà đất, kinh doanh, tiêu dùng thế chấp bất động sản hoặc ở mức lãi suất 5,5%/năm cho khoản vay mua ô tô thế chấp bằng chính chiếc ô tô đó trong 6 tháng đầu tiên.

Tại Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) chú trọng đến tiểu thương với mức lãi suất 11%/năm và thời hạn vay từ 1-4 năm tùy theo khoản vay, hình thức trả góp tùy theo từng tháng hoặc tuần. Các tiểu thương tại chợ có thể chủ động tính toán được mức trả từng kỳ.

Trong khi đó, các ông lớn như Vietcombank cho vay phát triển thủy sản và thực hiện cấp bù lãi suất dành cho các chủ tàu được vay tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới, đối với tàu vỏ gỗ lãi suất 7%/năm và tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới đối với tàu vỏ thép với lãi suất 7. BIDV đưa gói tín dụng 3.500 tỉ đồng cho vay nhu cầu nhà ở, bao gồm vay mua, xây, sửa, mua sắm nội thất… với lãi suất chỉ 7,8%/năm.VietinBank cho khách hàng vay vốn trong chương trình "Ưu đãi khách hàng mới" chỉ với mức lãi suất 7,99%/năm, thời gian ưu đãi tối đa lên đến 6 tháng.

Có thể thấy, hiện nay, tỷ lệ huy động vốn tại các nhà băng có xu hướng tăng cao nhưng lượng cho vay lại giảm hoặc đứng yên. Để kích tăng trưởng tín dụng cho những tháng cuối năm, phần lớn các ngân hàng đang "sốt sắng" triển khai nhiều chương trình, hoạt động ưu đãi hấp dẫn thu hút khách hàng... vay tiền.