Đại biểu Cao Sỹ Kiêm |
- Từ vụ việc của Hà Văn Thắm nhiều ý kiến cho rằng, phải có đường dây mới có thể gây lũng đoạn được. Ông nghĩ sao?
Vi phạm luật pháp thì đã rõ. Nhưng còn mức độ, dây hay hệ thống thì chúng ta phải chờ cơ quan chức năng kết luận.
- Trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Nhà nước đã phát hiện nhiều loại tội phạm. Phải chăng nguyên nhân chính là do chúng ta cho mở rộng quá nhiều?
Theo tôi số ngân hàng so với số doanh nghiệp và số dân chưa phải là nhiều. Tôi cho rằng quan trọng là do cách quản lý của chúng ta. Vì có quy định, thể chế, nguyên tắc còn chưa phù hợp, chưa đủ và còn lỗ hổng.
Việc thực hiện quản lý chưa nghiêm một phần do đạo đức, cán bộ, xử lý chưa đủ sức răn đe. Tất cả những điều đó làm cho phát triển hệ thống ngân hàng của chúng ta còn có những vi phạm, lỗ hổng là như vậy.
- Tội phạm về ngân hàng không những gây ảnh hưởng đến xã hội mà còn làm nguy hại cho kinh tế vì ngân hàng chính là mạch máu của nền kinh tế, thưa ông?
Điều đó là chính xác. Bây giờ có hai mặt.
Những vi phạm của cá nhân mà chúng ta đã phát hiện sẽ giúp ngăn chặn, làm lành mạnh nền kinh tế, đỡ tổn thất cho Nhà nước.
Nhưng đứng ở góc độ quản lý của các cơ quan nhà nước cũng cho thấy có những quản lý chưa chặt, chưa sát, và hiệu lực quản lý chưa cao.
- Vậy theo ông trong thời gian tới, tái hệ thống ngân hàng cần giải pháp nào?
Đề án tái cơ cấu ngân hàng có hai giai đoạn. Hiện chúng ta đã giải quyết được cơ bản tránh đổ vỡ. Đến giai đoạn sắp tới trong năm 2015, thì cần tiếp tục nâng cao tính hiệu quả, khả năng quản lý, quản trị của hệ thống ngân hàng thương mại kể cả liên doanh, cổ phần, và nước ngoài có hệ thống tại Việt Nam để tạo nên yếu tố an toàn.
Vừa qua chúng ta đã giải quyết được vấn đề an toàn, nhưng chất lượng nâng lên còn mức độ. Ngoài ra tăng cường tính kiểm tra, giám sát thì chúng ta phải làm thường xuyên, những vi phạm cần phải đưa ra để xử lý.