Nghệ An: Cục Thuế bị "truy" vì để nợ đọng thuế hơn 800 tỷ 

Trong phiên chất vấn về vấn đề nợ đọng thuế trên địa bàn Nghệ An tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVI đến nay có 128 doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản, các doanh nghiệp khác, hộ kinh doanh trên địa bàn còn nợ đọng hơn 835 tỷ đồng tiền thuế.

Tại phiên chất vấn, ông Nguyễn Đình Hòa - cục trưởng Cục thuế Nghệ An đã giải trình nhiều vấn đề liên quan đến tình hình số nợ thuế vẫn còn ở mức cao và có xu hướng tăng. Cho đến ngày 30/6, nợ đọng thuế của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Nghệ An lên đến 835 tỷ đồng, tăng 10,6 %. Trong đó, trong đó có 83,6 tỷ đồng nợ khó thu, 29 tỷ đồng nợ chờ xử lí, hơn 168 tỷ đồng tiền phạt, 619,3 tỷ đồng nợ thông thường.

Đáng chú ý là có 128 doanh nghiệp khai thác khoáng sản nợ đọng trên 80 tỷ đồng. Trước thực trạng này, Cục thuế Nghệ An đã phải tiến hành đình chỉ sử dụng hóa đơn tới 13 doanh nghiệp, đồng thời phối hợp với Sở TN&MT Nghệ An để thu hồi nợ thuế các doanh nghiệp khai thác khoáng sản.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Hoàng Xuân Trường (huyện Yên Thành) về nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng các DN khai thác khoáng sản không đóng thuế nhiều năm, ông Hoà giải trình: Tính đến 20/6 có 128 DN khai thác khoáng sản đang nợ 78 tỷ đồng tiền thuế, ngành đã triển khai rất quyết liệt các giải pháp, các chi cục tham mưu với cấp uỷ chính quyền tuyên truyền, tổ chức cưỡng chế...phối hợp với Sở TNMT để thu hồi nợ thuế. Tuy nhiên, do các DN gặp rất nhiều khó khăn, một số DN được cấp giấy phép khai thác khoáng sản nhưng không có trụ sở tại Nghệ An nên khó thực hiện các biện pháp cưỡng chế thu nợ thuế.

Việc nhiều Dự án đã triển khai nhưng chậm tiến độ, đã ảnh hưởng đến việc thu thuế tiền thuê đất, nguyên nhân là do công tác GPMB còn gặp vướng mắc, thị trường bất động sản đóng băng, cơ chế thuê đất cũng ảnh hưởng sự triển khai các Dự án. Về trách nhiệm của mình, ngành thuế đang tham mưu UBND tỉnh xem xét lại cơ chế cho thuê đất, tham mưu thành lập đoàn kiểm tra việc triển khai các Dự án chậm tiến độ và thu hồi các Dự án không có năng lực.

Các đại biểu cũng quan tâm nhiều đến vấn đề như: Trong khi ngành thuế tăng cường các biện pháp thu thuế nhưng lại vi phạm luật, vậy ngành khắc phục điều này như thế nào? Dự kiến đến cuối năm ngành có thể thu được bao nhiều phần trăm nợ đọng thuế? Giải trình về những nội dung trên, ông Hoà cho biết theo quy định, sau 90 ngày DN không nộp thuế, ngành thuế sẽ triển khai tuần tự 5 biện pháp thu hồi nợ, tuy nhiên nếu rập khuôn theo quy định của luật thì việc thu hồi nợ rất khó khăn, vì vậy ngành đã linh hoạt trong triển khai các biện pháp, điều này đã vi phạm luật.

Về nghịch lý mà đại biểu đã nêu đó là DN nợ thuế thì bị Nhà nước cưỡng chế, trong khi Nhà nước nợ DN xây dựng cơ bản thì lại không có biện pháp đền bù thiệt hại, ông Hoà cho biết về chủ trương sắp tới, để khắc phục tình trạng này thì trong dự thảo của Bộ Tài chính trình Quốc hội thì Nhà nước sẽ gia hạn tiền nợ, cho phép DN được bù trừ nợ. Về vấn đề các DN khai thác khoáng sản, khi kê khai nộp thuế thì giá khác nhưng khi bán ra thị trường giá khác đã dẫn tới Nhà nước thì thất thu, người tiêu dùng lại phải chịu giá cao, ngành ghi nhận và sẽ tham mưu với Sở TNMT để có giải pháp khắc phục.

Theo báo cáo tại kỳ họp thứ 11, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An khóa XVI, ngày 15/7/2014, 6 tháng đầu năm, số thu nội địa tính đạt 3.024 tỷ đồng, bằng 55% dự toán pháp lệnhvà bằng52% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 20% so với cùng kỳ. Trong đó,một số khoản thu, sắc thuế, thu vượt như thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước, thu từ công thương nghiệp dịch vụ ngoài quốc doanh, phí và lệ phí. Trên địa bàn tỉnh có 21 đơn vị thu trên 50% dự toán HĐND tỉnh giao.

Nguyễn Duy - Dantri.com.vn