Ngân hàng đua nhau giành khách vay USD
Thông thường, 3 tháng cuối năm được coi là "mùa vàng tín dụng" của các ngân hàng. Năm nay, tính đến hết tháng 10/2014, tín dụng chung của toàn hệ thống tăng 8,63%, trong đó có đóng góp lớn của tín dụng ngoại tệ, với mức tăng nóng lên tới trên 20%.
Theo dự báo, 2 tháng cuối năm, tín dụng ngoại tệ sẽ tiếp tục tăng nóng, bởi nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất, xuất khẩu và nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng phục vụ cho dịp Tết tăng lên.
Nhu cầu vay vốn, nhất là vay ngoại tệ, đang tăng mạnh, khiến tỷ giá cũng đang có dấu hiệu nhích lên |
Ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc Ngân hàng VIB cho biết, tín dụng ngoại tệ tại VIB tăng rất tốt, do chênh lệch lãi vay giữa USD và tiền đồng lớn. Bên cạnh đó, rủi ro tỷ giá thấp (Thống đốc NHNN đã cam kết năm nay không điều chỉnh quá 2%) và việc "nới" đối tượng được vay ngoại tệ từ đầu năm cũng khiến tín dụng ngoại tệ tăng mạnh.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, Phó tổng giám đốc một ngân hàng TMCP chia sẻ: "Hầu hết các ngân hàng đang dư thừa vốn, trong khi áp lực lợi nhuận rất căng, buộc phải tìm mọi cách để xả vốn, trong đó dễ nhất là xả vốn ngoại tệ, vì lãi vay thấp, đối tượng vay rộng hơn trước".
Theo tìm hiểu của phóng viên,tín dụng ngoại tệ của nhiều ngân hàng đang tăng 20 - 30%. Trước đó, đại diện Vietcombank cũng thừa nhận, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ đã "cứu" tăng trưởng tín dụng chung của ngân hàng này. Trong 6 tháng đầu năm, tín dụng tiền đồng của Vietcombank chỉ tăng 0,44%, trong khi cho vay ngoại tệ tăng hơn 25%.
Nhu cầu vốn ngoại tệ tăng lên khiến các ngân hàng đua nhau giảm lãi suất cho vay USD và miễn giảm nhiều loại phí để giành giật khách hàng. Thậm chí, một số ngân hàng đã giảm lãi vay USD ngắn hạn xuống còn 2 - 3%/năm.
Tỷ giá nóng lên có đáng ngại?
Cùng với sự tăng nóng của tín dụng ngoại tệ, thời gian gần đây, tỷ giá có dấu hiệu nóng lên. Cuối tuần qua, các ngân hàng đồng loạt tăng giá bán USD. Trước diễn biến này, một số chuyên gia cho rằng, việc nới lỏng tín dụng ngoại tệ thời gian qua sẽ tác động xấu đến tỷ giá, làm gia tăng tình trạng đô-la hóa nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), tín dụng ngoại tệ tăng trưởng cao thời gian qua là chưa đáng lo ngại và nằm trong khả năng kiểm soát của NHNN.
"Dư nợ tín dụng ngoại tệ hiện chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, ở mức 15% tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế. Nếu tính cả các khoản tiền gửi ngoại tệ trong nước và nguồn vốn nước ngoài thì hệ số sử dụng vốn ngoại tệ khá thấp, chỉ 50 - 60%. Mặt khác, NHNN chỉ cho phép các ngân hàng thương mại cấp tín dụng ngoại tệ đối với các doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ để trả nợ, nên sẽ không tạo áp lực tới trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng", ông Đông phân tích.
Đồng tình với ý kiến này, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng chậm chạp hiện nay, tín dụng ngoại tệ tăng mạnh là điều đáng mừng, chứng tỏ hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng tốt.
Liên quan đến việc tỷ giá có dấu hiệu nóng lên thời gian gần đây, các chuyên gia kinh tế cho rằng, không có gì đáng ngại, bởi đây là diễn biến bình thường của tỷ giá vào dịp cuối năm, mỗi khi nhu cầu vay ngoại tệ tăng lên. Với dự trữ ngoại tệ hiện nay, cộng với thặng dư thương mại tốt, dòng kiều hối và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ổn định, NHNN thừa sức bình ổn tỷ giá.
Lãnh đạo NHNN cũng khẳng định, hiện cung - cầu ngoại tệ của cả hệ thống vẫn cân bằng và được NHNN kiểm soát chặt chẽ.