Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã hướng tới mục tiêu hội nhập ngành ngân hàng nội khối vào năm 2020, xóa bỏ mọi rào cản và khác biệt trong ngành giữa các quốc gia trong khối để tạo ra một hệ thống ngân hàng mở cho phép các ngân hàng ASEAN được hoạt động một cách bình đẳng với ngân hàng sở tại của bất kỳ quốc gia thành viên nào trong khối.
Tham gia AEC và thực thi hệ thống ngân hàng mở có nghĩa là các quốc gia thành viên sẽ phải bỏ mọi giới hạn về sở hữu nước ngoài với các ngân hàng nội địa của mình. Ví dụ Việt Nam hiện đang áp đặt giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa là 30%. Những hạn chế quyền sở hữu như vậy đã không khuyến khích các ngân hàng nước ngoài nắm giữ cổ phần các ngân hàng trong nước vì họ sẽ chỉ là cổ đông thiểu số, và cổ phần của họ sẽ làm giảm vốn cấp 1 (Tier 1 capital) của mình theo tiêu chuẩn của Basel III.
Trong khuôn khổ AEC, các nước thành viên cũng phải tạo ra một sân chơi bình đẳng cho ngân hàng các nước thành viên khác hoạt động trên lãnh thổ của mình bằng cách xóa bỏ những khác biệt pháp lý mang tính phân biệt đối xử giữa các ngân hàng có quốc tịch khác nhau. Ví dụ, tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu hiện tại là khác nhau giữa các nước thành viên và giữa các ngân hàng trong bản thân mỗi quốc gia (áp đặt mức khác nhau cho ngân hàng nội địa và ngân hàng nước ngoài).
Những biện pháp nói trên được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự hợp nhất và tạo ra những ngân hàng khu vực lớn về quy mô, phạm vi và hiệu quả để cạnh tranh trên tầm quốc tế. Chúng cũng sẽ giúp tăng cường phạm vi che phủ và mức độ phục vụ ngành ngân hàng ở những vùng, những ngành mà mức độ thâm nhập và phục vụ của các dịch vụ ngân hàng vẫn còn thấp.
Tuy vậy, sự hội nhập và hợp nhất ngân hàng trong khối sẽ không đơn giản vì những khác biệt lớn khó lấp đầy về khuôn khổi pháp lý cũng như về mức độ tự do hóa thị trường tài chính giữa các quốc gia liên quan. Trong khi Philippines xóa bỏ hạn chế về sở hữu nước ngoài trong ngành ngân hàng thì Việt Nam lại cố gắng duy trì trần sở hữu này, còn Indonesia thì lại “cài số lùi” với việc giảm mức sở hữu nước ngoài tối đa xuống còn 40% từ mức 99% hồi năm 2012.
Yêu cầu về tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu cũng có sự khác biệt lớn với Singapore và Philippines đã áp dụng tỷ lệ này theo Basel III trong khi các nước như Việt Nam và Campuchia đang xúc tiến áp dụng Basel II. Do vậy, các ngân hàng hoạt động xuyên khu vực sẽ phải chật vật trong việc tuân thủ các yêu cầu pháp lý quá khác nhau này.
Ngoài ra, trừ Singapore, các nước thành viên khác nhìn chung là có một hệ thống ngân hàng phân tán, với một số lượng lớn các ngân hàng quy mô nhỏ. Bên cạnh đó, giá chào bán cổ phần của các ngân hàng thường không hề hấp dẫn với nhà đầu tư. Chẳng hạn như ở Việt Nam, giá chào bán thường vào khoảng 2,3 lần giá sổ sách.
Xét về riêng triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam, cũng giống như với các thành viên khác, giới phân tích cho rằng hội nhập trong AEC với các thương vụ sáp nhập và hợp nhất (M&A) trong tương lai, về tổng thể, sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn cho Việt Nam khi nó mang đến một lượng vốn mới rất cần thiết và những hiệu ứng cộng hưởng tích cực mới. Ngược lại, các ngân hàng Việt Nam cũng hứa hẹn là cơ hội tốt trong các thương vụ M&A với ngân hàng nước khác trong khối.
Hiện các ngân hàng Việt Nam đang hoạt động trong môi trường vĩ mô khá thuận lợi với các chính sách ưu tiên ổn định vĩ mô của Chính phủ, lạm phát ở mức thấp, tăng trưởng kinh tế được duy tri ổn định ở mức khá 5%-6%/năm, tăng trưởng tín dụng khoảng 12%/năm, mặt bằng lãi suất ổn định trong chiều hướng hạ dần theo đà giảm lạm phát.
Sức khỏe của hệ thống ngân hàng nhìn chung cũng đang trên đà được cải thiện, với những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước thúc đẩy việc (tự) tái cơ cấu mỗi ngân hàng yếu kém và trong toàn bộ hệ thống ngân hàng, cũng như trong việc cải thiện thanh khoản, và nâng cao chất lượng tài sản chủ yếu nhờ giảm tỷ lệ nợ xấu (chủ yếu thông qua VAMC, dù không hiệu quả). Tính ổn định của hệ thống còn được cải thiện nhờ chính sách tiền tệ và tín dụng thận trọng hơn, buộc các ngân hàng chuyển hướng sang các lĩnh vực có thu nhập khác mà không cần phải dựa quá mức vào đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng để tìm kiếm lợi nhuận như trước đây.
Tuy vậy, ở góc độ từng ngân hàng thương mại Việt Nam, một tỷ trọng đáng kể trong chúng đang được định giá cao bất chấp chúng phải đối mặt với vấn đề về chất lượng tài sản và rủi ro rơi vào tầm ngắm tái cơ cấu của NHNN. Cầu nội địa tăng chậm và thị trường bất động sản chưa hồi phục sau một thời gian dài suy sụp đã làm tăng nợ xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng tài sản, và do đó, đến vốn chủ sở hữu và lợi nhuận của nhiều ngân hàng.
Bên cạnh đó, như đã phân tích ở trên, giới hạn trầ về sở hữu nước ngoài sẽ làm nhiều ngân hàng nước ngoài ngần ngại trong việc tìm kiếm cơ hội M&A ở Việt Nam. Chính sự ngần ngại của các ngân hàng nước ngoài lại làm cho thị trường M&A ở Việt Nam càng kém phát triển, khan hiếm thông tin làm cản trở đến việc xác định được đúng giá trị thực của các mục tiêu M&A trong nước, gây khó khăn thêm (trong việc định giá) cho các ngân hàng nước ngoài tìm kiếm cơ hội M&A ở Việt Nam.
Do đó, để chuẩn bị và thúc đẩy quá trình hội nhập ngành ngân hàng trong khuôn khổ AEC, Việt Nam cần chủ động (có lộ trình) sửa đổi theo hướng nâng cao, tiến tới xóa bỏ giới hạn sở hữu nước ngoài, đồng thời có những ưu đãi về thuế đối với hoạt động M&A để khuyến khích quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng với sự tha gia tích cực của các ngân hàng nước khác trong khối.
>>> Hội nhập trong ngành ngân hàng với Cộng đồng kinh tế ASEAN
TS PHAN MINH NGỌC