Không còn cảnh DN đổ xô đến gõ cửa, cầu cạnh để có cơ hội vay vốn, bất chấp lãi suất ngất ngưởng 21%/năm, thậm chí tới 23%/năm như những năm trước. Chín tháng đầu năm nay, ngân hàng rơi vào cảnh "ế ẩm". Con số tăng trưởng tín dụng chậm chạp trong những tháng vừa qua đã chỉ thẳng thực tế này.
Tất nhiên, tốc độ tăng trưởng tín dụng phụ thuộc lớn vào nền kinh tế, trong đó có hoạt động của các DN. Bởi khi nền kinh tế khó khăn, đầu ra không có, hàng tồn đọng nhiều, DN khó có thể tồn tại nên không có điều kiện vay vốn ngân hàng. Người tiêu dùng cũng không dám nghĩ đến nhu cầu mua sắm, mua nhà, sửa nhà... nên cũng không mặn mà với chuyện vay tiền ngân hàng.
Thế nhưng, có một thực tế là nhiều DN nói "không" với nguồn vốn ngân hàng, nguyên nhân là bởi một số ngân hàng chỉ nói mà không làm, quảng cáo lãi suất thấp nhưng lại đưa ra lắm điều khoản "trói chân" DN. Không ít DN đã chọn phương án thu nhỏ hoạt động để tồn tại, nhất quyết không gõ cửa ngân hàng.
Nếu chỉ đơn thuần nhìn vào các chương trình ưu đãi quảng cáo gần đây, dễ nhận thấy ngân hàng đang rất "khát" người đến vay tiền. Nhưng thừa vốn là một chuyện, ngân hàng vẫn tìm mọi cách để "móc túi" khách hàng.
Một đơn vị có hội sở chính ở Hà Nội ra rả thông tin trên website: Nhằm mang đến cho khách hàng các giải pháp về tài chính tối ưu trong hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng cá nhân, ngân hàng dành 1.000 tỷ đồng triển khai chương trình ưu đãi, lãi suất tự chọn. Chương trình dành cho khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh, DN siêu nhỏ có nhu cầu vay từ 12 tháng trở lên với các mục đích vay: vay tiêu dùng như mua nhà, mua xe, xây sửa nhà cửa; vay vốn đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh… Chương trình này được triển khai từ tháng 5, ban đầu chỉ kéo dài đến giữa tháng 11-2014, nhưng sau đó được gia hạn đến 19-5-2015.
Điều đáng nói là ngân hàng quảng cáo khách hàng sẽ được lựa chọn một trong 3 ưu đãi: 0%/năm trong 2 tháng đầu, 6,5%/năm trong 6 tháng đầu tiên hoặc 9%/năm trong 12 tháng đầu tiên, nhưng một số DN đã tiếp cận được gói này cho hay, mức lãi suất 0% thực tế chỉ được áp dụng 1 tháng. Sau 1 tháng được hưởng ưu đãi, DN nhận được thông báo từ ngân hàng, đề nghị DN nộp lãi suất tương đương 3% cho khoản vay mà không có thông tin giải thích.
Khi DN gọi điện đến thì nhận được câu trả lời "đây là khoản lãi suất tạm ứng, thu trước cho tháng sau". Nếu DN không trả lãi suất đúng hạn, ngân hàng sẽ tự động khấu trừ. Mức lãi suất này không hề được đưa ra trong cam kết giữa DN và ngân hàng. Mặc dù mức lãi suất này còn xa mới chạm tới lãi suất thông thường sau thời gian ưu đãi (bằng lãi suất tiết kiệm 13 tháng - lãi cuối kỳ, cộng với biên độ 4%/năm), tức là khoảng hơn 10%/năm, song khoản tiền gọi là "lãi suất tạm ứng" này quá vô lý.
Câu hỏi đặt ra là 3% lãi suất đó sẽ vào túi ai, cộng chung vào kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng hay đơn giản chỉ rơi vào tay người đứng đầu chi nhánh?
Một số ngân hàng cổ phần khác cũng có nhiều kiểu "ép" DN, với việc đưa ra hàng loạt mức phí, lãi suất vô lý, còn DN phải "gật", vì hầu hết tài sản đã được thế chấp cho các khoản vay. Rõ ràng là ngân hàng đang nắm "đằng chuôi", còn DN bị rơi vào thế "đành chịu". Trong khi nguồn tiền gửi tiết kiệm của tổ chức và người dân vẫn dồi dào, "đầu ra" cho nguồn vốn bị "thắt lại" vì DN không mặn mà với vốn vay ngân hàng.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, 9 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng mới đạt gần 7%, trong khi mục tiêu cho cả năm 2014 là 12-14%, tức là từ nay đến cuối năm sẽ phải chạy nước rút, với mức tăng trưởng thêm 5-7%. Điều này cũng có nghĩa là tốc độ tăng trưởng tín dụng của 3 tháng cuối năm sẽ phải đạt bằng 9 tháng đầu năm mới hoàn thành mục tiêu. Tuy nhiên, nếu ngân hàng vẫn làm việc theo kiểu "bề trên", tự đưa ra những yêu sách vô lý như vậy khó có thể chạm tới cái đích 14% và liệu DN có còn dám tin tưởng vào sự minh bạch của hệ thống ngân hàng, nơi được coi là xương sống của cả nền kinh tế?