Ngân hàng Trung Quốc vỡ nợ 4 tỷ nhân dân tệ

Theo tờ Peple's Daily, ngân hàng Evergrowing Bank của Trung Quốc vừa bị vỡ nợ 4 tỷ nhân dân tệ trên các công cụ huy động vốn ngoại bảng.

Cụ thể, ngân hàng Evergrowing Bank phải thanh toán 3,7 tỷ nhân dân tệ tiền gốc và 300 triệu nhân dân tiền lãi trên các công cụ quản lý tài sản (WMPs) do một trong những cổ đông của ngân hàng và một công ty con phát hành. Khoản nợ này chiếm 57,8% lợi nhuận ròng năm 2013 của ngân hàng Evergrowing Bank.

Quy trình của các sản phẩm quản lý tài sản (wealth management products - WMPs) bắt đầu từ việc các ngân hàng sẽ bán WMPs cho các nhà đầu tư và hứa sẽ trả lãi suất cao hơn lãi suất tiền gửi do ngân hàng trung ương đề ra. Sau đó, ngân hàng có thể dùng tiền này để đầu tư vào các tài sản ít rủi ro như trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, các sản phẩm thuộc thị trường tiền tệ và các tài sản hữu hình khác với mức độ rủi ro thấp.

Vào tháng 8/2013, Evergrowing Bank đã thiết lập chương trình quản lý tài sản thông qua một công ty môi giới nhằm bán WMPs cho ngân hàng Tianjin chi nhánh Tế Nam và ngân hàng Thương mại nông thôn Tianjin Binhai. Hiện do gặp vấn đề về thanh khoản nên các công ty này không thể thanh toán nợ và không biết số tiền 3,7 tỷ nhân dân tệ trên được sử dụng như thế nào.

Vụ vỡ nợ của Evergrowing Bank xảy ra trong bối cảnh giới truyền thông Trung Quốc liên tục đưa ra các báo cáo cho thấy, các ngân hàng và công ty môi giới nội địa đang gặp với rất nhiều khó khăn trong việc thanh toán nợ trên các sản phẩm huy động vốn của lĩnh vực ngân hàng mờ.

Được biết, ngân hàng mờ là tên gọi khác của "ngân hàng trong bóng tối" của Trung Quốc.Ủy ban ổn định tiền tệ FSB định nghĩa "ngân hàng trong bóng tối" là những khoản vay giữa các định chế tài chính không phải ngân hàng. Loại "ngân hàng" này bùng nổ dưới nhiều hình thức như quỹ ủy thác, công ty cho vay, tổ chức đảm bảo tín dụng, hay các quỹ tiền tệ trên thị trường

Ở Trung Quốc, các ngân hàng bị cấm mở rộng cho vay ở một số ngành nhất định trong khi bị áp trần lãi suất tiền gửi. Chính sách quản lý này tạo điều kiện cho ngân hàng trong bóng tối bùng nổ dưới nhiều dạng thức. Kết quả là rất nhiều hình thức của cho vay tín dụng đã xuất hiện ở Trung Quốc như quỹ ủy thác, công ty cho vay, tổ chức đảm bảo tín dụng, hay các quỹ tiền tệ trên thị trường.

Với mức lợi nhuận hấp dẫn - cao hơn 10% so với các quỹ thông thường, họ dễ dàng huy động vốn từ các doanh nghiệp và cá nhân - những người tỏ ra thất vọng và không hài lòng với mức lãi suất trần được qui định bởi nhà nước. Sau đó họ lại cho những người khác vay vốn với lãi suất thậm chí cao hơn nhiều để hưởng chênh lệch. Mặt khác, đối tượng phải đi vay từ các tổ chức này thường không có khả năng vay từ các ngân hàng chính thống.