Kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ 2, Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản đã kiểm soát phần lớn hoạt động cho vay những nước nghèo nhằm giúp họ xây dựng cơ sở hạ tầng và thúc đẩy nền kinh tế yếu kém. Những khoản vay này được thực hiện thông qua Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Tuy nhiên, chúng thường đi kèm với những điều khoản khắt khe về kinh tế, xã hội và môi trường. Hiện nay, một quốc gia nữa cũng sắp gia nhập cuộc chơi này, đó là Trung Quốc.
Quốc gia này đang xây dựng Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) nhằm cung cấp tín dụng cho những dự án về năng lượng, giao thông vận tải và truyền thông. Mỹ đã cố gắng thuyết phục các đồng minh của mình không gia nhập AIIB, đồng thời đặt ra nghi vấn về năng lực điều hành của ngân hàng này cũng như lo lắng về các vấn đề như môi trường, nhân quyền trong các khoản tín dụng của AIIB.
Tuy nhiên, Anh đã phớt lờ những quan ngại của Mỹ và ký kết gia nhập AIIB. Tiếp theo sau đó là một loạt các nước như Đức, Ý, Pháp, Israel và nhiều quốc gia khác muốn đứng chung với Trung Quốc.
57 thành viên
Kể từ khi kế hoạch thành lập AIIB được công bố vào tháng 10/2013, đã có 57 quốc gia được Trung Quốc chấp nhận cho gia nhập trở thành thành viên sáng lập của ngân hàng này. Những quốc gia này muốn đẩy mạnh liên kết với Trung Quốc và thực hiện các giao dịch thương mại bằng đồng Nhân dân tệ. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới từ lâu đã tỏ ra bất bình khi không có nhiều tiếng nói trong hệ thống tài chính toàn cầu.
Hiện AIIB chưa công bố cụ thể một dự án nào cũng như chưa cho vay khoản tài chính nào từ nay cho đến cuối năm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng ngân hàng này sẽ đầu tư xây dựng dự án “Con đường Tơ lụa” nối liền Trung Quốc với Châu Âu thông qua những hệ thống đường sắt, đường cao tốc và cảng biển. Theo ước tính của ADB, khu vực này sẽ cần 8 nghìn tỷ USD đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng mới từ nay tới năm 2020.
Ngân hàng AIIB sẽ có mức vốn khởi điểm là 50 tỷ USD và sẽ cần chính phủ Trung Quốc cho phép để nâng mức vốn lên gấp đôi. Trong khi đó, WB có mức vốn 223 tỷ USD, nhưng chỉ có 15% số tiền này được cho vay vào Châu Á. Ngân hàng ADB đến cuối năm 2014 có tổng vốn là 153 tỷ USD.
Các thành viên sáng lập AIIB (tính đến ngày 17/4/2015)
Nguyên nhân
Một hội nghị tại Bretton Woods, New Hampshire năm 1944 đã khai sinh ra tổ chức IMF và WB như là một phần nỗ lực tái thiết Châu Âu sau Chiến tranh Thế giới thứ 2. Trong đó, WB chịu trách nhiệm cho vay để thúc đẩy phát triển kinh tế, IMF giám sát các chính sách tiền tệ và tỷ giá hối đoái, đồng thời cung cấp các khoản vay khẩn cấp cho các nước. Châu Âu luôn là khu vực lựa chọn người đứng đầu IMF để đổi lại Mỹ sẽ có quyền chỉ định người điều hành WB.
Đối với ADB, kể từ khi được thành lập từ năm 1966, Nhật Bản luôn nắm giữ vai trò điều hành tổ chức này.
Vào năm 2010, Mỹ đã từ chối đề nghị cung cấp cho các nước mới nổi như Ấn Độ và Trung Quốc quyền kiểm soát nhiều hơn trong IMF. Hiện IMF vẫn đang xem xét đề nghị này.
Việc nhiều quốc gia không được cho vay gây nên sự hình thành của nhiều ngân hàng phát triển cỡ nhỏ, như ngân hàng NDB của các nước trong nhóm BRIC (bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc) được công bố vào năm 2014.
Tranh cãi
Việc Trung Quốc không quá “kén chọn” người cho vay đã khiến các chuyên gia về nhân quyền và môi trường lo lắng. Họ cho rằng AIIB sẽ không làm giảm tình trạng tham nhũng tại các nước này cũng như việc tái cơ cấu nền kinh tế sẽ ảnh hưởng đến môi trường.
Mặc dù những quy định chi tiết cuối cùng vẫn chưa được hoàn thiện, nhưng AIIB có thể sẽ được điều hành bởi các thành viên Châu Á. Những quốc gia này có thể sẽ có 75% số phiếu biểu quyết của AIIB, 25% còn lại thuộc về những nước ngoài Châu Á.
Trung Quốc hiện có khoản dự trữ ngoại hối khoảng 37 nghìn tỷ USD và đang tìm kiếm cơ hội để đầu tư. Bằng việc thành lập AIIB, chính quyền Bắc Kinh kỳ vọng sẽ tạo ảnh hưởng nhiều hơn nữa đến các quốc gia láng giềng.
Mỹ lo ngại rằng những khoản tài chính của AIIB có thể khiến nhiều nước “làm ngơ” trước những động thái quân sự trong khu vực. Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ, cựu chuyên gia kinh tế trưởng của WB và là giáo sư tại đại học Havard, ông Larry Summers cho rằng việc Mỹ không thuyết phục được các đồng minh không gia nhập AIIB là một “thất bại về chiến lược và chiến thuật”. Việc này đánh dấu sự kết thúc của Mỹ trong vai trò lãnh đạo hệ thống tín dụng thế giới.