Ngân hàng “siết” cho vay mua máy móc, thiết bị: “Chim sợ cành cong”

Ngân hàng “siết” cho vay mua máy móc, thiết bị: “Chim sợ cành cong”

Ngân hàng gần như đóng cửa với doanh nghiệp khi có nhu cầu vay vốn để mua máy móc, thiết bị, nếu có thì cũng phải vay với lãi suất “cắt cổ”.

Ngân hàng gần như đóng cửa với doanh nghiệp khi có nhu cầu vay vốn để mua máy móc, thiết bị (gọi tắt là công), nếu có thì cũng phải vay với lãi suất "cắt cổ", mà chỉ tài trợ phần sản phẩm cuối cùng ra thị trường. Vì sao ngành ngân hàng lại quay lưng với mua máy móc, thiết bị như vậy?

Theo giới chuyên gia, nguyên nhân khiến ngành ngân hàng quay lưng với việc cho vay mua máy móc, thiết bị là vì nợ xấu. Hầu hết các ngân hàng đều lý giải nguyên nhân chính là do rủi ro kỳ hạn, huy động ngắn hạn cho vay dài hạn, nhưng nguyên nhân sâu xa là vì nợ xấu. Ngân hàng giờ như "chim sợ cành cong" nên không dám mạo hiểm "thả gà ra đuổi".

Chê doanh nghiệp, đổ vốn… ra đường

Ông Mai Hồng Bàng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinavico, cho biết, hiện công ty đang có nhu cầu vay vốn trung dài hạn để đầu tư máy móc thiết bị và có tài sản thế chấp cũng như hạn mức bảo lãnh nhưng vẫn không vay được. Nguyên nhân là do ngân hàng gần như "đóng cửa" với nhu cầu vay vốn đầu tư máy móc thiết bị của doanh nghiệp.

"Nợ xấu vẫn đang tăng lên, nợ cũ chưa đòi được, gắn trách nhiệm hình sự với cán bộ tín dụng là những nguyên nhân khiến các ngân hàng quay lưng với nhu cầu vay vốn đầu tư máy móc thiết bị của doanh nghiệp. Họ sợ rủi ro, nợ cũ chưa thu hồi được nên không dám mở rộng cho vay mới. Trong khi đó, đây lại là giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, các doanh nghiệp đang cố gắng cầm cự nên ngân hàng càng e ngại. Họ chỉ cho vay những gì có thể chắc chắn sẽ thu hồi được vốn", ông Bàng phân tích.

Cũng rơi vào tình trạng bị bỏ đói vốn trung và dài hạn, ông Lê Thanh Dương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Trường Sơn, cho biết hiện công ty ông muốn đầu tư mở rộng nhà xưởng và mua thêm máy móc thiết bị nhưng không thể tiếp cận được vốn của ngân hàng nào.

"Mới đầu công ty định tiếp cận vốn vay theo hình thức tín chấp nhưng thấy khó khăn nên đã chuyển sang thế chấp nhà xưởng và máy móc hiện có để vay vốn nhưng vẫn không được ngân hàng chấp thuận", ông Dương chia sẻ.

Về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thành Lập (TP.HCM), cũng cho rằng toàn hệ thống ngân hàng chưa thực sự có một ngân hàng công nghiệp đúng nghĩa. Chỉ riêng Vietinbank do Nhà nước kiểm soát mới chỉ chú trọng đến "thương" mà chưa quan tâm đến "công".

"Rất ít khi doanh nghiệp vay được vốn mua máy móc, thiết bị mà chỉ được tài trợ phần "thương", tức sản phẩm cuối cùng ra thị trường. Nếu doanh nghiệp có vay được vốn mua máy móc thiết bị với lãi suất trung hạn, dài hạn thì lãi suất cũng rất cao. Điều này hạn chế khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa", ông Lập bình luận.

Trong khi quay lưng với việc cho vay mua máy móc, thiết bị, nhiều ngân hàng lại mạnh tay đổ vốn vào lĩnh vực tiêu dùng và giao thông. Đây là những lĩnh vực chủ yếu sử dụng vốn vay trung và dài hạn. Hầu như mỗi tuần, thị trường lại nhận được thông tin về gói tín dụng ưu đãi của một ngân hàng nào đấy dành cho khách hàng có nhu cầu vay vốn mua nhà, sửa nhà, mua xe… với lãi suất rất hấp dẫn.

Bên cạnh đó, lượng vốn đổ vào lĩnh vực giao thông chưa năm nào nhiều như năm nay. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, cũng thừa nhận chưa có năm nào ngành ngân hàng dành nhiều vốn cho giao thông như năm nay. Dự tính đến hết 2014, tổng số tiền mà hệ thống ngân hàng đầu tư cho ngành giao thông sẽ lên tới 400.000 tỷ đồng, phần lớn theo hình thức BOT.

Ngân hàng phân trần

Về vấn đề này, người đứng đầu ngành ngân hàng chia sẻ các tổ chức tín dụng đang phải đối mặt với rủi ro kỳ hạn do nhu cầu vay vốn phục vụ đầu tư, phát triển, sản xuất (trong đó có vay mua sắm phục vụ sản xuất ban đầu như máy móc, thiết bị) với kỳ hạn trung và dài hạn là rất lớn trong khi phần lớn nguồn vốn huy động là ngắn hạn.

"Bên cạnh đó, với kỳ hạn dài thì rủi ro tín dụng của khách hàng cũng cao hơn. Vì vậy, lãi suất các khoản cho vay trung và dài hạn này thường cao hơn so với các khoản vay khác", Thống đốc giải thích.

Từ góc độ người cho vay, ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị DongABank, cho rằng việc các ngân hàng không mặn mà cho vay trung và dài hạn là vì sự lệch lạc trong cơ cấu nguồn vốn.
"Các ngân hàng chủ yếu huy động được vốn ngắn hạn nên không dám mạo hiểm. Hiện tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn của hệ thống ngân hàng đã vượt ngưỡng an toàn (theo quy định là 30%), khoảng 41%, thậm chí, có ngân hàng còn cao hơn mức này", ông Kiêm cho biết.

Báo cáo bán niên của nhiều ngân hàng cũng cho thấy, hầu hết các ngân hàng chỉ huy động được vốn ngắn hạn (dưới 1 năm), như PVcomBank và BIDV là 99,7%; ACB, Eximbank, ABBank, NCB, Techcombank là 98%; Sacombank, Vietinbank dưới 90% và MB đạt 79%...

Trong khi đó, với việc đẩy mạnh bơm vốn cho các doanh nghiệp thông qua tài trợ dự án, mua trái phiếu doanh nghiệp đã khiến nhiều ngân hàng đã vượt ngưỡng 30% (theo quy định của Thông tư 15/2009/TT-NHNN).

Ví như Sacombank, Techcombank, ABBank, ACB, SeABank với định hướng bán lẻ nên dư nợ cho vay khách hàng cá nhân chiếm tỷ lệ lớn trong tổng dư nợ, khoảng 30% (chủ yếu là vốn dài hạn). Vietinbank cũng có lượng cho vay dài hạn thông qua đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cũng khá lớn, chiếm tỷ lệ cao trong tổng dư nợ cho vay.

Ngoài ra, thời gian gần đây, nhiều ngân hàng được phép cho vay vốn vượt trần 25% (vượt giới hạn vốn tự có của doanh nghiệp) đối với một số doanh nghiệp có nguồn gốc nhà nước dưới hình thức tài trợ dự án, hợp đồng như Vietcombank trúng "đậm" khi giành được hợp đồng tài trợ 10.413 tỷ đồng cho dự án đường giao thông từ cảng hàng không Thọ Xuân đi khu kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa.

Ví như mới đây SHB đã hợp tác toàn diện giữa Công ty CP Đầu tư xây dựng Phú Mỹ (PMC), một đơn vị có 14 dự án giao thông trọng điểm trong TP.HCM với tổng giá trị đầu tư lên đến 200.000 tỷ đồng (tương đương với gần 10 tỷ USD).

Hay như Vietinbank được cấp vốn cho 11 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), Công ty CP Cơ khí Điện lực (PEC), PVOil, VPGas, PVCFC…

Chỉ với những hợp đồng như vậy, quota sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn của các ngân hàng đã hết. Vậy nên, những doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt những doanh nghiệp nhỏ và vừa gần như hết cửa vay vốn trung và dài hạn.

Ngoài ra, còn có những nguyên nhân xuất phát từ chính doanh nghiệp như năng lực quản lý, tài chính còn nhiều hạn chế; Phương án sản xuất kinh doanh đề nghị vay vốn, báo cáo tài chính của doanh nghiệp chưa rõ ràng, minh bạch để chứng minh được khả năng trả nợ, ảnh hưởng đến việc tổ chức tín dụng đưa ra quyết định cho vay cũng như chất lượng khoản vay…