Những năm qua, xã hội chứng kiến nhiều vụ việc hủy hoại môi trường nghiêm trọng của các tổ chức, cá nhân như vụ bức tử sông Thị Vải của nhà máy Vedan, hay câu chuyện xây dựng đập nước trên sông Mekong,.. Mới đây nhất là dự án đang gây nhiều tranh cãi lấp sông Đồng Nai để xây khu đô thị của Tập đoàn Toàn Thịnh Phát.
Trong thực tế, nhiều năm qua mặc dù đã có luật bảo vệ môi trường nhưng ngành ngân hàng không có quy định nào yêu cầu các TCTD phải cân nhắc rủi ro môi trường và xã hội khi cho vay các dự án, đặc biệt các dự án quy mô lớn có tác động đáng kể đến môi trường và cộng đồng dân cư xung quanh.
Mặc dù trong hồ sơ xin vay vốn của các dự án xin vay vốn bao giờ cũng có báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng đối với các ngân hàng các báo cáo này chỉ là thủ tục cần có chứ không được xem xét cẩn trọng, cân nhắc đầy đủ trong quá trình thẩm định rủi ro tín dụng cũng như ra quyết định cho vay.
Thế giới đã thay đổi
Nhận thức vai trò của các tổ chức tài chính ngân hàng trong kiểm soát tác động môi trường và xã hội của các dự án tài trợ, nhiều quốc gia đã ban hành quy định bắt buộc về trách nhiệm của các tổ chức tài chính ngân hàng trong việc yêu cầu chủ đầu tư các dự án được xem xét cấp tín dụng/đầu tư phải đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội.
Tại Brasil, Năm 2009, Hiệp hội Ngân hàng Brazil (Febraban) và Bộ Môi trường đã ban hành Nghi định thư Xanh (Green Protocol) trong đó thiết lập các chuẩn phát triển bền vững cho các ngân hàng thương mại.
Đến năm 2011, Ngân hàng Trung ương Brazil ban hành Thông tư 3.547 ICAAP, quy định về quy trình đánh giá an toàn vốn nội bộ (ICAAP). Quy định này áp dụng cho các tổ chức tín dụng với tổng tài sản trên 100 tỷ Reais. Trong quá trình đánh giá và tính tỷ lệ vốn cần thiết, các ngân hàng phải giải thích cách thức họ xem xét các tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội trong hoạt động kinh doanh.
Tại Trung Quốc năm 2012, CBRC ban hành Hướng dẫn chi tiết thực hiện Chính sách Tín dụng Xanh, trong đó đề ra 3 lĩnh vực chính trong việc triển khai của các ngân hàng thương mại gồm: quản lý rủi ro môi trường và xã hội; tìm kiếm các cơ hội kinh doanh liên quan; và quản lý việc sử dụng nguồn lực trong hoạt động của bản thân các ngân hàng.
Thậm chí tại Hàn Quốc, Quốc hội đã ban hành Luật Khung về Tăng trưởng Xanh Carbon thấp và Kế hoạch 5 năm để triển khai chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh. Luật này cho phép chính phủ điều hành thị trường bằng các biện pháp thuế, phạt và ưu đãi. Luật này khuyến khích các ngân hàng cấp tín dụng chi phí thấp cho các doanh nghiệp có các dự án xanh.
Mới đây nhất, ngày 27 tháng 3 năm 2015, Cơ quan Giám sát Ngân hàng và Bảo hiểm Peru (SBS) đã ban hành quy định yêu cầu tối thiểu về quản lý rủi ro môi trường xã hội đối với các công ty tài chính/ngân hàng xuyên suốt quy trình cấp tín dụng dự án và tín dụng doanh nghiệp
Không ít ngân hàng tỏ ra lo ngại với những quy định về cấp tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường xã hội có thể khiến hoạt động ngân hàng khó khăn hơn.Tuy nhiên, theo nghiên cứu năm 2014 của Liên minh Ngân hàng toàn cầu (the Global Alliance for Banking on Values - GABV) thì không hẳn như vậy.
Trong năm 2013, các ngân hàng với mô hình kinh doanh dựa trên Nguyên tắc Ngân hàng bền vững tiếp tục đạt được lợi nhuận cao hơn so với các ngân hàng thương mại lớn nhất toàn cầu hiện nay. Những ngân hàng theo định hướng phát triển bền vững này nằm trong khối GABV lấy mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường làm cốt lõi kinh doanh đã và đang đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách hàng bằng các sản phẩm tiền gửi và tín dụng của mình
Ngân hàng Việt Nam không đứng ngoài cuộc
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đối khí hậu. Ví thế, việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội và ngành ngân hàng không ngoại lệ. Nhận thức điều đó, tháng 3/2015, NHNN đã ban hành chỉ thị 03 về thúc đẩy tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.
Theo chỉ thị, các TCTD căn cứ vào chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh để xây dựng các giải pháp thúc đẩy tín dụng xanh nhằm khuyến khích các hoạt động kinh doanh thân thiện với môi trường.
Tập trung ưu tiên cấp tín dụng xanh cho các ngành kinh tế thực hiện bảo tồn, phát triển và sử dụng tài nguyên thiên nhiên hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo,..
Chỉ thị 03 nhấn mạnh tới vai trò quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Cụ thể, các TCTD phải chủ động nghiên cứu, xây dựng hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong cấp tín dụng thông qua cải thiện chính sách, nguồn lực và thủ tục cấp tín dụng.
Khi thẩm định cấp tín dụng cho các dự án, chỉ thị 03 yêu cầu cần đánh giá các rủi ro môi trường và xã hội tác động đến hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ của khách hàng.
Để đảm bảo việc cấp tín dụng đạt mục tiêu xanh, NHNN yêu cầu các TCTD thường xuyên, định kỳ kiểm tra giám sát việc quản lý rủi ro môi trường và xã hội đối với khoản tín dụng cấp cho khách hàng. Hàng quý các ngân hàng có trách nhiệm báo cáo tổng hợp gửi NHNN. Trong đó nêu rõ bao nhiêu tín dụng bị từ chối sau khi đánh giá rủi ro môi trường, bao nhiêu tín dụng được phê duyệt, dư nợ đã thực hiện và dư nợ bị tạm dừng vì rủi ro môi trường và xã hội .
Trước đó, IFC – Thành viên của Ngân hàng thế giới cũng có chương trình phối hợp với các ngân hàng Việt Nam như Techcombank, Vietinbank để triển khai cấp tín dụng cho các dự án tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn. Lần này với chỉ thị của Thống đốc NHNN, theo một chuyên gia tài chính ngân hàng, trách nhiệm bảo vệ môi trường của ngành ngân hàng đã rõ ràng hơn. Đây là chính sách tốt cho sự phát triển dài hạn của nền kinh tế.