Ngân hàng ồ ạt đổ vốn vào giao thông

Việc một lượng tiền "chưa từng có" dành để đầu tư đường xá được cả người đứng đầu ngành ngân hàng và giao thông xác nhận.

Dự án cao tốc Thái Nguyên - Bắc Cạn chính thức được khởi công đầu tháng 9 với tổng vốn đầu tư hơn 2.350 tỷ đồng. Trong đó, tiền được liên danh các nhà thầu huy động cho dự án cũng trên dưới 2.000 tỷ đồng.

Đây chỉ là một trong hơn 50 dự án mà theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã được khởi công theo các hình thức BOT, BT, PPP do cơ quan này quản lý. Tổng số vốn cho các công trình này ước trên 130.000 tỷ đồng, với khoảng 80% được huy động từ các tổ chức tín dụng.

Trong việc xã hội hóa các dự án hạ tầng, có 3 hợp đồng phổ biến là BOT, BTO và BT. Hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) là hình thức đầu tư được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng, kinh doanh công trình kết cấu hạ tầng trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao không bồi hoàn công trình đó cho Nhà nước.

Với hợp đồng BTO (xây dựng - chuyển giao - kinh doanh), sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho Nhà nước, Chính phủ dành cho nhà đầu tư quyền kinh doanh công trình đó trong một thời hạn nhất định để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận.

Còn hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho Nhà nước, Chính phủ tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện dự án khác để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận hoặc thanh toán cho nhà đầu tư theo thoả thuận trong hợp đồng.

Cả ba hình thức này, doanh nghiệp đều cần lượng vốn từ ngân hàng. Có lẽ vì lý do này mà tại lễ khởi công các công trình lớn của ngành giao thông gần đây, người ta thường thấy giới lãnh đạo ngân hàng xuất hiện bên cạnh đại diện cơ quan chức năng, chủ đầu tư hay địa phương có dự án đi qua.

Như tại lễ khởi công dự án quốc lộ 6 Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo đoạn Xuân Mai - Hòa Bình theo hình thức BOT, đại diện của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) cho biết tổ chức tín dụng này là đơn vị thu xếp vốn cho dự án có tổng mức xấp xỉ 3.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, Ngân hàng Công Thương (Vietinbank) là nhà tài trợ cho chủ đầu tư dự án mở rộng quốc lộ 1 qua Ninh Thuận gần 1.700 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư hơn 2.100 tỷ của dự án theo hình thức BOT khởi công hồi giữa tháng 7. Vietinbank cũng ngân hàng tham gia nhiều dự án mở rộng quốc lộ qua khu vực Nam Trung Bộ khi cho Công ty cổ phần Đèo Cả vay với số tiền lên đến 5.400 tỷ để thực hiện các công trình đi qua các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) được cho là dành nhiều vốn nhất cho các dự án trọng điểm của ngành giao thông giai đoạn nói trên. Đầu năm 2013 BIDV cam kết chi 30.000 tỷ cho các dự án mở rộng quốc lộ 1 và 14 của Bộ Giao thông và là nhà băng thu xếp vốn cho hơn một nửa trong số 18 dự án BOT mở rộng quốc lộ 1 từ Thanh Hóa - Cần Thơ.

Từ giữa năm ngoái, khi các địa phương và Bộ Giao thông còn đang chờ Quốc hội cho chủ trương phát hành trái phiếu thực hiện hai dự án quốc lộ thì trong một lễ khởi công ở miền Trung, Chủ tịch Trần Bắc Hà tuyên bố rằng BIDV đã sẵn sàng khoảng 5.000 tỷ đồng để giải ngân, thông qua Bộ Giao thông chuyển cho địa phương giải phóng mặt bằng và cũng để cho nhà thầu vay bằng lãi suất phát hành trái phiếu.

Dù không tham gia nhiều dự án giao thông, song chỉ riêng việc đổ hơn 20.000 tỷ vào dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thông qua Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính (Vidifi) vay cũng đủ để Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) xuất hiện trong danh sách những chủ nợ lớn với doanh nghiệp giao thông.

Đó là chưa kể đến những "siêu dự án" khác cũng trong lĩnh vực này nhưng chủ đầu tư lại là các địa phương. Ví dụ như cuối tháng trước, dự án đường nối từ khu kinh tế Nghi Sơn đi sân bay Thọ Xuân của tỉnh Thanh Hóa có vốn đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng với nguồn lực chính được huy động từ Ngân hàng Ngoại thương (Vietconbank).

Chỉ tính riêng 53 dự án mà Bộ Giao thông đang quản lý, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhẩm tính nguồn tiền vay từ ngân hàng đã vượt 100.000 tỷ đồng. "Đây là thời điểm ngành giao thông huy động nguồn vốn ngoài xã hội lớn nhất từ trước tới nay", ông Thăng nhấn mạnh.

Trong một số cuộc tiếp xúc của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình mới đây, các địa phương thường chuẩn bị sẵn danh mục các dự án cần chủ trương hoặc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để được tiếp cận vốn ngân hàng. Phần nhiều trong số này là các dự án hạ tầng giao thông, với nhu cầu vay lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Thống đốc Bình chia sẻ giai đoạn từ 2011 cho đến tận giữa 2013, ngành giao thông luôn khát vốn làm dự án, đặc biệt trong bối cảnh đầu tư từ ngân sách bị cắt giảm để chống lạm phát và lãi suất ngân hàng dâng lên rất cao.

Đến nửa cuối năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đề xuất với Chính phủ việc hệ thống ngân hàng tạm ứng cho ngân sách 20.000 tỷ đồng để triển khai các dự án giao thông.

"Hết 2013, nguồn vốn chảy vào giao thông rất mạnh. Đến nay tổng vốn đầu tư cho giao thông toàn quốc là trên 400.000 tỷ đồng, phần lớn cho các dự án BOT và BT...", Thống đốc nói.

Trong khi đó, Bộ Trưởng Đinh La Thăng nhận xét rằng, việc thu hút nguồn vốn tín dụng kỷ lục cho thấy bức tranh tài chính của doanh nghiệp giao thông đã sáng sủa, các dự án đều chứng minh được tín hiệu quả, đảm bảo khả năng trả nợ.

Theo một chuyên gia tài chính, việc đầu tư vốn cho lĩnh vực giao thông hiện nay là rất cần thiết vì cơ sở hạ tầng của Việt Nam còn kém phát triển, là nhược điểm trong thu hút vốn đầu tư, phát triển kinh tế. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới trong tháng 3/2014 cũng cho thấy để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP vào năm 2020, mỗi năm Việt Nam cần tới 30 tỷ USD cho phát triển cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh do đây là các công trình công cộng, thời gian vay vốn dài nên các ngân hàng cần theo dõi sát sao tiến độ cũng như khả năng hoàn trả của chủ đầu tư để tránh nợ xấu từ lĩnh vực xây dựng cơ bản - vốn là nỗi ám ảnh thời gian dài vừa qua. Đồng thời, ngân hàng cũng nên chủ động khống chế một tỷ lệ cho vay với lĩnh vực giao thông để hạn chế rủi ro thanh khoản, bởi xây cầu đường thường đòi hỏi vốn trung và dài hạn, trong khi vốn ngân hàng chủ yếu là thời hạn ngắn.

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, sở dĩ ngân hàng có thể mạnh dạn cho vay giao thông như thời gian qua là thanh khoản đang tốt và các dự án khả thi, hiệu quả. Dẫu vậy ông cũng lưu ý ngân hàng cũng như nhắn nhủ doanh nghiệp chỉ cho vay khi xác định rõ dự án có nguồn thu, ít nhất là thu đủ trả nợ ngân hàng.

"Nguồn thu từ đường chủ yếu phụ thuộc vào lưu lượng giao thông. Các địa phương cần tính toán triển khai những dự án thực sự cấp bách, lưu lượng giao thông lớn, để đảm bảo đáp ứng nhu cầu và có nguồn thu trả nợ. Vốn của ngân hàng là vốn vay của dân, đến kỳ hạn phải trả. Ngân hàng có thể hoãn nợ cho doanh nghiệp, nhưng dân đến lĩnh thì phải trả", ông nói.