Nhiều NH cơ cấu danh mục khoản vay hướng về những DNNVV
DNNVV loay hoay với vốn
Có nhiều lý do khiến DNNVV không thể coi nguồn tín dụng NH là "cửa" duy nhất cho nhu cầu tìm vốn. Bởi một mặt, nhiều DNNVV không thể đáp ứng được điều kiện vay vốn mà NH đưa ra. Mặt khác, do tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính của các DNNVV đã quá cao.
Một nguyên nhân khác là do DN chưa minh bạch trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bởi, một trong những yêu cầu mang tính bắt buộc để DN tiếp cận hình thức cho vay này là phải có báo cáo tài chính lành mạnh và được xác nhận của cơ quan chuyên môn như kiểm toán hoặc ngành thuế. Đối với yêu cầu này, hầu như DN nào cũng vướng, vì phần lớn DN hoạt động khép kín theo hình thức gia đình, luôn có tâm lý phòng ngừa "người ngoài" biết rõ năng lực tài chính của mình. Đó là chưa nói đến những DN cố tình trốn thuế, nợ thuế, vốn ít nhưng khai nhiều… nhằm tranh thủ vốn vay từ các NH.
Theo lãnh đạo một NH, từ sự "lệch pha" đó mà nhiều DNNVV có năng lực đang chuyển dần quan hệ vay vốn NH sang vay vốn của nhà cung ứng nguyên vật liệu.
Ông Phan Đức Chiến, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại-Dịch vụ Đức Hoàng (lĩnh vực dệt gia công xuất đi châu Âu) cho biết, DN có đầu vào - đầu ra ổn định và đều là thành viên của một Hiệp hội nên có đủ tín nhiệm với nhau, đã tự liên kết thực hiện các nghiệp vụ mua bán chịu bằng cách phát hành cho nhau các giấy nhận nợ hoặc quyền đòi nợ trong phạm vi thời hạn thoả thuận để hữu dụng hoá nguồn vốn "gối đầu" tạm thời nhàn rỗi của từng bên nhằm duy trì sản xuất và tiêu thụ. "Hiện tại, phương pháp này vẫn được một số DN áp dụng, thậm chí còn sôi động hơn vì lãi suất gửi tiết kiệm bây giờ giảm thấp, nhiều DN dư dả tiền nhàn rỗi đã cho bạn hàng vay vốn ngắn hạn để sản xuất kinh doanh", ông Chiến nói.
Cũng chia sẻ về câu chuyện vốn, ông Hà Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty may Sơn Việt nói rằng, phương pháp mượn vốn lẫn nhau trong sản xuất đã có rất lâu đời, nhưng trên cơ sở hoàn toàn tự phát và dựa vào uy tín của nhau. Nay đã có quy định cho các hội ngành nghề cũng được bổ sung chức năng làm đầu mối để tổ chức hình thành các định chế tài chính là quỹ đầu tư, cho nên hình thức mượn vốn lẫn nhau ngày càng lan rộng.
Đồng thời, ở lĩnh vực sản xuất, cơ chế ràng buộc giữa các nhà máy chế biến với các bên sản xuất hay cung ứng thường xuyên, ổn định nguồn nguyên, nhiên liệu đầu vào cho nhà máy một cách thống nhất, minh bạch cũng là một hình thức tạo vốn giữa các DN.
Cụ thể, các nhà máy phải chứng minh cam kết có tỷ lệ vốn nhất định đảm bảo sự hoạt động thường xuyên, đủ công suất của nhà máy; đồng thời ràng buộc bên cung ứng phải có trách nhiệm giữ uy tín về giá, về số lượng hàng hoá cung ứng theo cam kết tương ứng với số vốn nhận đặt cọc…
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT Thế giới Di động, một hình thức cũng thường được DNNVV có nền tảng áp dụng là công ty tài chính liên danh có vốn đóng góp của các DN thành viên có các ngành hàng gần gũi hoặc lệ thuộc nhau để tạo ra đơn vị đủ năng lực đăng ký và phát hành chứng chỉ quỹ hay trái phiếu công ty tài chính liên danh.
Thế giới Di động đã từng thành công với nguồn vốn từ quỹ đầu tư, tạo ra những hàng hóa cả sơ cấp để tạo vốn kinh doanh. Việc làm này nhằm hút vốn đầu tư khi có phương án khả thi trên thị trường chứng khoán, hoặc gọi vốn đầu tư vào chứng khoán của quỹ đầu tư hoặc công ty tài chính đối với các NHTM để tạo vốn trực tiếp cho cụm DN là thành viên của quỹ hay của công ty tài chính theo quy chế…
Phân khúc thị phần của NH nhỏ
Song, không có nhiều DN có đủ khả năng cũng như uy tín để huy động vốn ngắn hạn theo các hình thức kể trên. Vì thế, nguồn vốn tín dụng của NH vẫn còn một lượng thị phần không nhỏ, nhất là với nhu cầu vốn vay đầu tư trong trung và dài hạn. Hiện nay, lãi suất cho vay giảm, năng lực của DN cũng ổn định, do đó DNNVV là khách hàng mục tiêu mà NH đang tìm đến.
Ông Trần Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc Nam A Bank nhận định, DNNVV trong lĩnh vực nông, thủy sản là một trong những mảng NH này tập trung đẩy mạnh cho vay trong năm 2014. Những DNNVV tốt đã được sàng lọc, NH phải phân tán rủi ro và cơ cấu lại danh mục cho vay đối với khối DN này. Đơn cử, hiện nay TP. Hồ Chí Minh vẫn là khu vực trọng yếu trong phát triển hoạt động của Nam A Bank, nhất là với hoạt động tín dụng. "Tới đây chúng tôi sẽ thiết kế những sản phẩm nhỏ gọn, đơn giản thủ tục cho các nhóm khách hàng nhỏ lẻ vào khu vực nông thôn ở ĐBSCL", ông Tâm nói thêm.
Lãnh đạo SCB cũng cho hay, sang năm sau khi tái cơ cấu NH đi vào giai đoạn cuối vẫn là lúc mở ra nhiều cơ hội để đẩy mạnh hoạt động cho vay. Trong đó, SCB tập trung vào đối tượng khách hàng vừa và nhỏ, hộ gia đình và đối tượng kinh doanh ở khu vực thành thị và một phần dành cho lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn cũng như DNNVV. Nhưng quan trọng hơn vẫn là hỗ trợ vốn cho khách hàng kinh doanh ở thành thị. Thực tế, dù các DN có cơ sở vốn ngoài NH, song lĩnh vực này còn khá nhiều tiềm năng, nhu cầu vốn của khách hàng cũng rất lớn.
Cũng theo vị lãnh đạo trên, hiện các điều kiện cho vay của NHTM lớn vẫn còn chặt chẽ nên nhiều khách hàng DN nhỏ chưa thể tiếp cận vốn. Đó chính là cơ hội để SCB có thể khai thác để giành thị phần tín dụng, phân tán rủi ro khi đẩy mạnh cho vay đối tượng khách hàng nhỏ, lẻ… Bên cạnh đó, SCB cũng phải có các biện pháp để thu hút khách hàng là DNNVV. Vì khi tiếp cận được các khách hàng này sẽ kéo theo nhiều đối tượng khác...