Ngân hàng "ngoại" ồ ạt vào Việt Nam

Với việc Việt Nam sẽ chính thức hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015, không chỉ các tập đoàn lớn mà hàng loạt các ngân hàng nước ngoài cũng có kế hoạch tăng cường sự hiện diện, mở rộng quy mô tại Việt Nam.

Đón nhiều ngân hàng lớn đến từ ASEAN

Vào đầu tháng 3-2015, Ngân hàng Kasikorn - một trong những ngân hàng hàng đầu của Thái Lan, có quy mô hoạt động trên toàn châu Á đã chính thức thành lập 2 văn phòng đại diện tại Hà Nội và TPHCM. Ngân hàng này cũng cho biết sẽ mở rộng hoạt động tại Việt Nam, tiếp tục mở thêm nhiều văn phòng và chi nhánh sau khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cấp phép.

Cũng trong tháng 3-2015, Ngân hàng Public Bank Berhad (PBB) của Malaysia tại Việt Nam cũng đã được NHNN Việt Nam chấp thuận về nguyên tắc để PBB nhận toàn bộ phần vốn góp của Ngân hàng BIDV tại Ngân hàng liên doanh VID Public và tiến hành các thủ tục chuyển đổi thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Như vậy, PBB là ngân hàng 100% vốn nước ngoài thứ 6 hoạt động tại Việt Nam sau các ngân hàng HSBC, ANZ, Standard Chartered, Shinhan Vietnam và Hong Leong Bank.

Chưa kể trước đó, Ngân hàng DBS của Singapore và Maybank của Malaysia cũng đã mở thêm chi nhánh tại Việt Nam.

Mới đây nhất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao NHNN sớm xem xét, cấp phép hoạt động cho Ngân hàng UOB (Singapore) 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam vì ngân hàng này đã xin nâng cấp hoạt động từ mô hình chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành ngân hàng con 100% vốn nước ngoài từ năm 2008.

Theo Bộ KH-ĐT, Singapore là đối tác đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 tại Việt Nam với 1.405 dự án và hơn 33 tỷ USD vốn đầu tư. Thế nhưng, đến nay Singapore chưa có ngân hàng 100% vốn nước ngoài được cấp phép hoạt động tại Việt Nam.

Giao dịch tại ngân hàng Standard Chartered. Ảnh: CAO THĂNG

Ngân hàng cũng lo chuyện hội nhập

Với nhu cầu vốn ngày càng lớn từ các doanh nghiệp (DN) Việt Nam cũng như những DN FDI tại đây, rất nhiều ngân hàng thuộc các nước ASEAN muốn đón đầu xu thế này và tìm cách phát triển kinh doanh tại Việt Nam. Thực tế cho thấy, những năm trước đây các ngân hàng nước ngoài có mặt tại Việt Nam chủ yếu thuộc những quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư nhiều vào Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan…

Nhưng thời gian gần đây, ngân hàng ở các nước ASEAN đã xuất hiện ngày càng nhiều cũng như mở thêm nhiều chi nhánh tại Việt Nam như Singapore, Malaysia, Thái Lan… Điều này cũng cho thấy các tổ chức tín dụng trong khu vực đã chuẩn bị mọi điều kiện để sẵn sàng đón cơ hội từ sự kiện AEC.

Theo thống kê, đến nay thị trường Việt Nam đã có hơn 50 văn phòng đại diện của các ngân hàng nước ngoài, 50 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 6 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và 4 ngân hàng liên doanh. Các chuyên gia tài chính cho rằng, sự gia nhập của các ngân hàng nước ngoài cũng đồng nghĩa với việc sẽ có một cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn với các ngân hàng trong nước.

Bởi lẽ bên cạnh việc phục vụ nhu cầu tài chính cho hoạt động đầu tư của các DN nước ngoài, các ngân hàng nước ngoài cũng có khả năng thu hút khách hàng trong nước dựa vào uy tín thương hiệu, các công nghệ, dịch vụ hiện đại cũng như nguồn lực tài chính dồi dào.

Lãnh đạo một NHTM bán lẻ lớn tại TPHCM cũng nhìn nhận rằng, hội nhập kinh tế với sự ra đời của AEC mang đến những lợi ích như tạo thêm cơ hội kinh doanh, đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ ngân hàng, tiếp cận được công nghệ mới…

Tuy nhiên, việc hội nhập sâu rộng hơn trong ngành ngân hàng cũng mang đến nhiều rủi ro. Chính vì thế, để chuẩn bị cho hội nhập AEC, các ngân hàng trong nước đã thực hiện tái cấu trúc chiến lược bán lẻ, chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu; tập trung vào các lĩnh vực tiên phong như ngân hàng điện tử, cải tiến các thủ tục cho vay, đồng thời tiếp tục kiện toàn hệ thống quản trị hướng đến chuẩn mực quốc tế.

Theo kế hoạch, cuối năm 2015, AEC sẽ chính thức được thành lập. Một trong những mục tiêu của cộng đồng này là thực thi hệ thống ngân hàng mở, tức là các quốc gia thành viên sẽ phải bỏ mọi giới hạn về sở hữu nước ngoài với các ngân hàng nội địa của mình.

Điều này có thể chưa làm được ngay trong một sớm một chiều, nhưng đây chính là "phép thử" của sự kiện AEC trong ngành ngân hàng.

Trong tháng 5 vừa qua, HDBank cũng đã ký kết hợp tác chiến lược với Hana Bank (Hàn Quốc), chính thức xác lập mối quan hệ hợp tác kinh doanh giữa hai ngân hàng. Theo đó, hai ngân hàng phối hợp để hỗ trợ cung cấp thông tin, tư vấn cho khách hàng về môi trường kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam, các quy định pháp luật trong lĩnh vực tài chính ngân hàng; hỗ trợ về nguồn vốn; các dịch vụ ngân hàng như chuyển tiền kiều hối, thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại, giao dịch ngoại hối, dịch vụ thẻ...

Được biết, Hana Bank trực thuộc Tập đoàn tài chính Hana Group, là một trong 3 ngân hàng hàng đầu tại Hàn Quốc có thế mạnh về lĩnh vực bán lẻ. Sự kiện hợp tác giữa HDBank và Hana Bank diễn ra ngay sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) được ký kết vào ngày 5-5-2015 vừa qua, dự báo sẽ mở đầu cho dòng chảy đầu tư ngày càng mạnh hơn vào Việt Nam của các tập đoàn tài chính, ngân hàng Hàn Quốc, chuẩn bị cho VKFTA có hiệu lực vào đầu năm 2016.

MINH THUẬN