Tới giữa tháng 8, hầu hết các ngân hàng đã lần lượt công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2014. Bên cạnh những con số về doanh thu, lợi nhuận thì tình hình chung, các nhà băng đang phải đối mặt với tỷ lệ nợ xấu tăng lên chóng mặt trong bảng cân đối tài chính của mình.
Ông lớn gia nhập “câu lạc bộ nợ xấu trên 3%”
Ngày càng nhiều ngân hàng được “điểm tên” trong bảng danh sách “câu lạc bộ ngân hàng nợ xấu trên 3%”. Thậm chí, đã có nhà băng tỷ lệ nợ xấu lên tới trên 5%.
Nợ xấu ngân hàng tăng lên nhanh chóng trong nửa đầu năm 2014
Là một trong những ngân hàng lớn nhất nước, nhưng Vietcombank cũng đã chính thức gia nhập “câu lạc bộ nợ xấu 3%”, khi theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2014 thì hiện ngân hàng có hơn 9.000 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 3,09% tổng dư nợ. Trong đó, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) là 4.765 tỷ đồng, tăng hơn 70% so với cùng thời điểm năm ngoái.
Cũng có tỷ lệ nợ xấu lên tới 4%, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2 vừa công bố cho thấy, tổng nợ quá hạn của SHB gầ 7.470 tỷ đồng, tăng 72% so với đầu năm, chiếm 8,2% tổng dư nợ cho vay. Số cho vay được khoanh lại và chờ xử lý đạt hơn 1.200 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu đến hết tháng 6/2014 của SHB ở mức 4%. Một ngân hàng lớn khác cũng khiến khá nhiều nhà đầu tư thất vọng khi nợ xấu tăng nhanh, hơn 1% chỉ trong vòng 6 tháng là Eximbank. Báo cáo tài chính quý 2 của đơn vị này cho thấy, tín dụng giảm 3,7%, tiền gửi của khách hàng giảm 3% và tỷ lệ nợ xấu tăng lên 2,94% so với mức 1,98%.
Theo báo cáo tài chính quý 2/2014 mới công bố, tỷ lệ nợ xấu của Ocean Bank tăng từ 3,99% cuối năm 2013 lên 5,2% vào tháng 6 năm nay. Như vậy, chỉ trong vòng 6 tháng, nợ xấu của Ocean Bank đã tăng thêm 1,3%. Cũng chính lẽ đó đã buộc ngân hàng phải tăng mạnh chi phí dự phòng, từ âm 12,6 tỷ đồng năm 2013 đã “vọt” lên 165,4 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay. Vì vậy, lợi nhuận trước thuế (đã trừ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng) chỉ đạt 17,2 tỷ đồng, giảm gần 65% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việc buộc phải tăng trích lập dự phòng cho các khoản vay nợ khiến lợi nhuận sụt giảm đang là “tình cảnh chung” của hầu hết các nhà băng lớn, nhỏ trong hệ thống ngân hàng. Ngân hàng ACB cũng lâm vào tình cảnh tương tự.
Tính tới hết quý 2/2014, tỷ lệ nợ xấu của ACB cũng “vọt” lên tới 3,6%, tương đương 4.037 tỷ đồng. Riêng nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 23,3% so với đầu năm, lên mức 2.616 tỷ đồng. Nợ nhóm 2 – nợ cần chú ý cũng tăng 22% so với hồi đầu năm.
Vậy nên, dù đạt lợi nhuận 1.309 tỷ đồng nhưng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ACB tăng thêm 124%, tương đương 320 tỷ đồng, đã khiến ngân hàng giảm lợi nhuận sau thuế tới 20%, còn 573,3 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.
Con số nợ xấu chung 6 tháng đầu năm chưa được Ngân hàng Nhà nước công bố, song chắc chắn tỷ lệ nợ tăng lên chóng mặt chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới bức tranh nợ xấu chung của toàn hệ thống.
Không ngạc nhiên về hiện tượng các ngân hàng lần lượt kéo nhau gia nhập “câu lạc bộ nợ xấu 3%” trong nửa đầu năm 2014, trò chuyện với PV Infonet, một chuyên gia uy tín trong lĩnh vực tài chính ngân hàng còn nói, “điều này đã được ông dự báo từ lâu khi nhìn vào sức khỏe của toàn hệ thống ngân hàng thời gian qua. Và bây giờ chỉ là thời điểm chín muồi để “ung nhọt phát tác” mà thôi.
Vị chuyên gia đưa ra 4 nguyên nhân dẫn giải làm căn cứ cho lập luận của mình.
Thứ nhất, các khoản nợ xấu thực chất vẫn – đã tồn tại trong bảng cân đối của các ngân hàng từ trước đó, nhưng do cách hạch toán trước đây thì ngân hàng có thể tái cơ cấu lại nợ, đảo nợ để giảm tỷ lệ này xuống. Tuy nhiên, khi Thông tư 09 được áp dụng từ 1/6 dù có một số quy định được hoãn lại tới sang năm, với quy định khắt khe đã khiến nợ xấu tăng lên và trở về đúng giá trị thực trong bảng cân đối tài chính của các ngân hàng.
Thứ 2, tín dụng mới khó khăn ngay từ đầu năm. Tăng trưởng tín dụng, số tuyệt đối nợ xấu cao thì khó giảm được tỷ lệ nợ xuống.
Thứ 3, vài chục ngàn tỷ được các ngân hàng bán lại nợ cho VAMC nhưng chỉ là một phần rất nhỏ tổng số nợ của hệ thống ngân hàng mà thôi. Nên khi tăng trưởng tín dụng và nợ xấu không được giải quyết rốt ráo thì nợ xấu tăng.
Thứ 4, kinh tế trì trệ, tổng cầu yếu, doanh nghiệp khó phục hồi khả năng khả nợ.
“Ông chủ” nhà băng có ngồi trên đống lửa?
Nợ xấu tăng nhanh trong hệ thống ngân hàng đương nhiên khiến nhiều người nghi ngại. Và lo sợ nhất cũng đương nhiên là các ông chủ nhà băng. Thế nhưng, trái với sự lo lắng quá nhiều khi nợ xấu tăng với tỷ lệ chóng mặt, thì hai trong số các nhà băng có tỷ lệ nợ xấu lớn khi trao đổi với Infonet đều tỏ thái độ lạc quan.
Trao đổi với PV Infonet, ông Nguyễn Thanh Toại – Phó tổng giám đốc ACB nhìn nhận, sở dĩ nợ xấu trong nửa đầu năm nay tăng là bởi tổng cầu yếu, hàng tồn kho của doanh nghiệp ngày một nhiều khiến họ không dám vay và ngân hàng cũng không dám cho vay vì lo sợ gia tăng tỷ lệ nợ xấu. Ngoài ra, dù Thông tư 09 dù mới có hiệu lực từ 1/6/2014, nhưng với những quy định siết chặt đã ảnh hưởng phần nào với việc “chuyển nhóm nợ” của các ngân hàng.
“Việc xử lý nợ xấu, thu hồi nợ là việc làm thường xuyên của ngân hàng. ACB có kế hoạch giảm bớt số nợ xấu, gồm nhiều biện pháp khác nhau. Mỗi món nợ có tài sản đảm bảo, đối tượng khách vay... cụ thể, nên cách xử lý từng món nợ là khác nhau”- ông Toại nói.
Còn lý giải nguyên nhân nợ xấu “tăng vọt” trong nửa đầu năm 2014 với Infonet, đại diện Ocean Bank phân trần, OceanBank không có nợ xấu mới phát sinh trong nửa đầu năm 2014, mà đều là nợ chuyển nhóm khi ngân hàng áp dụng theo Thông tư 09 về phân loại và trích lập dự phòng rủi ro từ ngày 1/6/2014 của NHNN.
“Không chỉ Ocean Bank có tỷ lệ nợ xấu cao mà ngay cả những thành viên khác trong hệ thống ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu rất thấp những năm qua, thì nay cũng không tránh khỏi xu hướng chung” – đại diện Ocean Bank cho hay.
Có lẽ vì là “xu thế chung không thể tránh khỏi” nên sếp một vài nhà băng “tự tin sẽ giải quyết được”.
Nói với Infonet, Phó tổng giám đốc ACB cũng khẳng định, tỷ lệ nợ xấu của ACB trong nửa cuối năm 2014 chắc chắn sẽ giảm xuống dưới mức 3%. Nhiệm vụ này, theo ông Toại là “khó nhưng hoàn toàn khả thi”, bởi khi khả năng hấp thu vốn nền kinh tế khó khăn, thay vì mở rộng tín dụng thì ngân hàng phải quay sang xử lý các khoản nợ khó đòi. Dù ở “đầu” nào cũng đem lại mặt “lợi” cho ngân hàng. Chưa kể, nếu không thu hồi nợ và để tỷ lệ bị đẩy lên quá cao các ngân hàng sẽ phải lĩnh “chế tài phạt” từ Ngân hàng Nhà nước, và đây là điều mà không nhà băng nào muốn “dính” phải.
“Toàn hệ thống ACB đang dồn tổng lực, bằng mọi cách để kìm giữ và giảm tỷ lệ nợ xấu trong tầm kiểm soát. Riêng tới cuối năm nay chắc chắn tỷ lệ nợ của ACB sẽ giảm xuống dưới 3%”- ông Nguyễn Thanh Toại nói với Infonet.
Cũng theo vị chuyên gia trên, điều ông lo ngại là các ngân hàng sẽ "gánh đỡ" ra sao với bức tranh nợ xấu ngày càng xấu đi? Bởi theo lộ trình Thông tư 09, đến 1/1/2015, các ngân hàng phải thực hiện phân loại nợ kết quả xếp hạng của Trung tâm Thông tin tín dụng. Cùng với việc ngừng tái cơ cấu nợ mà không phải chuyển nhóm từ 1/4/2015, nợ xấu sẽ lộ diện rõ ràng và sát thực hơn nữa.