Ngân hàng lợi kép

Nếu gói tín dụng hỗ trợ nhà ở lên tới 50.000 tỷ đồng, các ngân hàng tham gia liệu có được lợi.

Ảnh minh hoạ

Trong số 5 ngân hàng thương mại quốc doanh (NHTMQD) được Chính phủ giao triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội (NOXH), BIDV hiện là tổ chức tín dụng tham gia tích cực nhất.

Góc nhìn từ NH "tứ trụ"

Nếu xét ở quy mô gói tín dụng hỗ trợ ban đầu 30.000 tỷ đồng, mục tiêu BIDV đặt ra chiếm tới 1/3. Theo đó, BIDV đặt quy mô tín dụng dự kiến khoảng 10.000 tỷ đồng và tỷ lệ cho vay là 30% đối với DN và 70% là người mua nhà. Tức chỉ có 20.000 tỷ thuộc về 4 NH còn lại. Trên thực tế, BIDV hiện đã phê duyệt cho vay 16 dự án nhà ở xã hội (NOXH) và nhà ở thương mại chuyển đổi công năng sang NOXH, với tổng số tiền cam kết đạt trên 4.200 tỷ đồng. Nếu so với tổng giá trị vốn đăng kí giải ngân của cả 5 NH được chỉ định trong chương trình, đạt 7.600 tỷ đồng tính đến tháng 10/2014, thì BIDV đã chiếm hơn phân nửa.

Trong danh sách các dự án đã kí kết hợp tác nhận gói tín dụng hỗ trợ nhà ở qua BIDV, có nhiều DN từ các vùng miền khác nhau. Có thể điểm qua một số tên tuổi như CTy CP Vicoland với dự án nhà ở thu nhập thấp ở Huế, dự án khu nhà ở công nhân và thu nhập thấp Hải Dương của Cty Licogi 18, dự án nhà ở xã hội (NOXH) An Hòa-Đà Nẵng của Tập đoàn Mặt trời; dự án chung cư CCI-HCM của Cty CP Địa ốc Hoàng Quân...

Giải thích số căn hộ được BIDV cam kết giải ngân cho khách hàng vay tín dụng chỉ chiếm hơn 1/5 số căn hộ HQC Plaza đã bán, theo ông Trương Thái Sơn - Phó TGĐ Địa ốc Hoàng Quân, cho biết chủ yếu "do các thủ tục về NOXH còn mới đối với cơ quan nhà nước, chủ đầu tư và cả khách hàng nên cũng gây nên những khó khăn nhất định trong việc triển khai NOXH. Đơn cử, thủ tục về công tác chuẩn bị đầu tư của các dự án NOXH, việc xem xét, cho phép chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang NOXH, cho phép điều chỉnh cơ cấu diện tích các căn hộ nhà ở thương mại cho phù hợp. Ngoài ra, việc xác định thu nhập thấp của người dân cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế. Việc xem xét cho vay hiện nay còn quá thận trọng, dẫn đến sự chậm trễ trong việc xét duyệt hồ sơ, thẩm định đối tượng cho vay vốn". Dù vậy, HQC vẫn hy vọng rằng, "các NH được Nhà nước chỉ định trong cho vay trong gói 30 nghìn tỷ thời gian sắp tới sẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân để Hoàng Quân có thể đồng hành cùng với chủ trương của Chính phủ trong việc giải quyết vấn đề về chỗ ở cho người dân, đặc biệt là những người thu nhập thấp", ông Sơn nói.

Nói một cách khác, một khi NH liên kết với những DN có nhiều dự án, đa dạng hóa địa bàn NH có thêm nhiều hợp đồng tín dụng, cũng mở thêm cánh cửa cho NH phát triển tín dụng cho khách hàng cá nhân trên các địa bàn đó, tăng thị phần kèm tăng tín dụng.

Các NH lớn sẽ vào cuộc?

Từ "tấm gương" của BIDV, nhiều NH đã và đang chuyển hướng đẩy mạnh gói cho vay hỗ trợ nhà ở. Cuộc hội thảo của Vietcombank và Nam Long - một DN phát triển nhà ở thương mại dạng Ehome với chủ đề cơ hội vay 30.000 tỷ đồng mới đây tại TP HCM là một ví dụ.

Quan trọng hơn, sau "cú hích" giảm trừ bớt các quy định thủ tục để tạo điều kiện cho người dân được tham gia chương trình, phê duyệt kéo dài gói vay lên tới 15 năm sẽ giúp người dân, DN và cả NH đều "dễ thở" trong tính toán thi triển chương trình cho vay, dự thảo với Thông tư mới về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02, mà các NHTMQD phải dành ít nhất 3% tổng dư nợ để cho vay các đối tượng được hỗ trợ, tức nâng gói tín dụng hỗ trợ có thể lên tới 50.000 tỷ đồng, đồng thời quy định kéo dài thời hạn vay tái cấp vốn tín dụng của các NH tham gia chương trình, cũng sẽ khiến các NH có thêm động lực "bơm" tiền hỗ trợ nhà ở.