DN muốn tái cấu trúc
Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan chia cộng đồng DN hiện nay làm 2 nhóm. Một là DN đang hoạt động tốt, có uy tín lâu nay với NH nên việc tiếp cận vốn vay rất dễ dàng với nhiều ưu đãi. Số lượng những DN thuộc dạng này rất ít. Hai là, những DNNVV, DN siêu nhỏ đang vướng những khoản nợ cũ với NH nên muốn được vay vốn phải giải quyết được nợ cũ. Số lượng DN nằm trong dạng này hiện nay khá nhiều.
"Hiện tại có khá nhiều DN vướng phải những hợp đồng tín dụng khoản vay trung, dài hạn đã ký trước đây vài năm với mức lãi suất từ 13%-15%/năm, nhưng khi tình hình thay đổi DN vẫn phải cõng lãi vay này nên rất khó vay mới", ông Mười nói.
DN vay tái cấu trúc không quá phức tạp hay đòi hỏi quá cao về tình hình tài chính
Tương tự, ông Hoàng Đức Chiến, Giám đốc Công ty TNHH Đức Hoàng cho biết, DN gặp khó khăn do sức tiêu dùng quá yếu. Khi hàng tồn kho tăng cao, DN không có tiền vốn xoay vòng nên buộc phải cân nhắc trong việc vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh. Cũng theo ông Chiến, hiện rất nhiều DN không dám đầu tư sản xuất mới mà chỉ sản xuất cầm chừng để tất toán những khoản nợ vay cũ. Tất cả đang làm nên vòng luẩn quẩn chưa tìm được lối ra.
Có thể thấy, với những chia sẻ trên, chứng tỏ đại đa số DN đang trông đợi các NHTM giúp tái cơ cấu lại tài chính cho họ thay vì tìm cách hạ lãi suất. Đối với DN, lúc này không phải lãi suất cao hay thấp, mà chính là làm như thế nào để tái cấu trúc nguồn nợ cũ cho DN, giúp họ mạnh dạn vay vốn để tổ chức những chu kỳ sản xuất mới.
Đồng thời, khi tài sản thế chấp không còn, khả năng được vay tín chấp cũng được bàn luận khá nhiều. Thực ra đây là nghiệp vụ tín dụng mà NHTM nào cũng có, nhưng trong bối cảnh hiện nay được nhắc đến nhiều hơn vì điều kiện và nhu cầu của thực tiễn đặt ra phải giải quyết. Song trên thực tế, nhiều DN nhỏ, siêu nhỏ vốn đi lên từ các hộ gia đình thì mức độ khả thi của các dự án không rõ ràng nên khó tiếp cận với hình thức vay này, bởi khi cho vay NH phải thẩm định rất kỹ lưỡng.
Sau một thời gian rà soát lại gốc rễ của nguyên nhân vì sao dòng tín dụng vẫn còn bị nghẽn, nhiều DN chưa thể tiếp cận vốn vay các NH cũng nhận thấy sự bế tắc nằm ở khả năng thanh toán những hợp đồng tín dụng cũ. Thực trạng này đang khiến bức tranh nghịch lý chung của thị trường hiện nay: DN muốn vay nhưng không vay được, trong khi NH muốn cho vay vốn nhưng không giải ngân được vì điều kiện hai bên không gặp nhau.
DN và các điểm yếu quản trị tài chính
Trao đổi với NH, nhiều doanh nhân khẳng định, việc cho vay với mục tiêu tái cấu trúc DN không phải là mới, nhưng đây là thời điểm cần thiết nhất để triển khai. Thời gian qua, có rất nhiều DN đang tìm cách trả nợ cũ để vay mới với lãi suất thấp hơn. Nhưng mặt khác, một số NH cũng đã chủ động cho DN vay để tái cấu trúc tài chính.
Tổng giám đốc một NHTMCP đánh giá việc triển khai cho vay với mục tiêu tái cơ cấu DN đối với NH không khó. Thực tế, NH này cũng vừa triển khai gói sản phẩm cho vay ưu đãi với mục đích này. Theo ông, lâu nay các DN có dự án kinh doanh khả thi đều đang tìm cách trả nợ cũ để vay lại với lãi suất thấp hơn. Tại các NH, đã có rất nhiều DN trả nợ cũ để vay mới hoặc tìm cách thương thảo lãi suất với NH. Hiện tượng trên diễn ra vì trong hợp đồng tín dụng có một số điều khoản cho phép NH có thể thay đổi lãi suất theo kỳ. Dựa vào đó, không ít DN đã thương thảo lãi suất với NH.
Theo đó, một số NH đã chủ động tạo điều kiện cho DN, đặc biệt là dành cho DNNVV các gói tín dụng cho vay tái cấu trúc DN. Ví dụ tại SCB, gói tín dụng "Nâng tầm DN" chủ yếu giúp DN khắc phục sự mất cân đối trong kinh doanh hay cũng có thể là sự mất cân đối kỳ hạn giữa tài sản và nguồn vốn của DN, chẳng hạn khi doanh thu, tiền bán hàng về chậm hơn ngày đáo hạn khoản vay NH…
Cùng quan điểm, đại diện ACB cho biết, từ lâu nay, NH đều chủ động tạo điều kiện cho DN, đặc biệt là các DNNVV thông qua các chương trình cho vay tái cấu trúc tài chính DN. Tuy nhiên, chỉ các DN có dự án kinh doanh khả thi mới được NH xem xét để hỗ trợ trả nợ cũ và vay lại với lãi suất thấp hơn.
Thực tế, có ý kiến cho rằng NH ngại cho DN vay vì rủi ro thị trường hiện nay rất lớn, nợ xấu cao. Còn về phía DN, tiềm lực tài chính đã quá yếu do phải gánh các khoản vay tín dụng cũ, có mặt bằng lãi suất cao hơn hiện tại, nên chưa trả được nợ cũ thì không thể vay nợ mới dù NH có mở cửa...
Tuy nhiên, xét những gói vay mà các NH triển khai, điều kiện đặt ra đối với những DN vay tái cấu trúc không quá phức tạp hay đòi hỏi quá cao về tình hình tài chính. Ví dụ, có NHTMCP chỉ đưa ra yêu cầu đối với DN nộp hồ sơ xin vay vốn để tái cấu trúc là: Phương án hoạt động sản xuất kinh doanh phải thuộc ngành nghề chính của khách hàng. Cụ thể là có đăng ký trên giấy phép kinh doanh và có doanh thu bình quân chiếm hơn 50% tổng doanh thu của DN trong 3 năm gần nhất…
Nói thêm về câu chuyện này, Tổng giám đốc SCB khẳng định NH sẵn sàng cho DN vay nhiều hơn các NH khác trong trường hợp DN thiếu vốn dẫn đến thiếu hiệu quả kinh doanh, nhưng không đồng nghĩa với việc cho vay bừa bãi. Bởi trước khi quyết định giải ngân gói tín dụng này, cán bộ tín dụng và Ban lãnh đạo NH phải phân tích, rà soát lại tình hình thực trạng của DN, xác định lại nguồn vốn, xác định các chỉ tiêu đo lường quen thuộc như chỉ số đánh giá thực hiện công việc (KPI), chỉ số quản trị rủi ro (KRI)…
Cũng đánh giá về nghiệp vụ cho vay tái cấu trúc DN, TS. Cao Sỹ Kiêm cho rằng các NH thực hiện ở giai đoạn này là bước đi phù hợp vì đây là lúc cần tối ưu hóa vốn cố định của DN. Trên thế giới, khá nhiều DN lớn cũng đã đưa ra những chính sách linh hoạt để tái cấu trúc tài chính. Chẳng hạn, khi bị khủng hoảng năm 2008 thì bản thân Tập đoàn City Group đã bán đi Công ty dịch vụ Công nghệ City (thuộc City Group) với giá 127 triệu đô la Mỹ để tăng nguồn vốn của mình lên. Cũng theo TS. Kiêm, việc tăng cường chính sách thu công nợ, giải quyết hàng tồn kho với DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại và sản xuất… cũng là những vấn đề cần lưu tâm.
Tuy nhiên, để được NH giải ngân với mục tiêu tái cấu trúc, bản thân DN cũng phải có những biện pháp rốt ráo để nâng cao hiệu suất, năng lực tài chính như: lập quỹ dự phòng khi kinh doanh có lãi; đầu tư vào các dự án có khả năng sinh lợi vững chắc; tối ưu hóa năng suất lao động, sử dụng máy móc thiết bị hiệu suất cao; tuân thủ nguyên tắc quản lý tài chính theo kỷ luật "thu đủ, chi đúng"; nâng cao năng lực của đội ngũ kinh doanh; rút ngắn quy trình sản xuất…