Ngân hàng: Giảm lợi nhuận hay tăng tín dụng? 

Theo số liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại tính đến ngày 26-8 là 4,5% (so với cuối năm 2013).

Con số này thấp hơn gần 2% so với cùng kỳ năm ngoái và nếu những tháng cuối năm tốc độ cho vay của các ngân hàng tương đương với năm 2013 thì nhiều khả năng tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ cán mức 10%, không đạt chỉ tiêu 12 - 14% mà Ngân hàng Nhà nước đề ra.

Số liệu có vẻ như không tích cực, bởi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng phản ánh phần nào thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Dù vậy, nền kinh tế nói chung và lĩnh vực tài chính - tiền tệ nói riêng hiện vẫn có những dấu hiệu tích cực cho sự tăng trưởng trong dài hạn.

Cụ thể, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bằng tiền đồng tiếp tục giảm và đã giảm thêm 1 - 1,5%/năm so với cuối năm 2013. Cộng với giá xăng dầu giảm, với mức giảm tổng cộng đã lớn hơn tổng của những lần tăng giá trước đó đã giúp giảm chi phí đầu vào của tất cả các ngành sản xuất, dịch vụ.

Mà chi phí đồng vốn và nhiên liệu là hai yếu tố đầu vào có ảnh hưởng lớn đến giá thành sản xuất của các doanh nghiệp, nên sự cộng hưởng từ hai yếu tố này sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bớt khó khăn, đồng thời cũng giúp các nhà điều hành đảm bảo được mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định thị trường tiền tệ.

Ngoài ra, dù chưa giảm nhiều như mong muốn của các doanh nghiệp đang vay nợ từ các ngân hàng, nhưng lãi suất các khoản vay cũ của các doanh nghiệp vẫn tiếp tục giảm xuống. Tính đến cuối tháng 8, dư nợ cho vay bằng tiền đồng có lãi suất trên 15%/năm chỉ chiếm 4,45% và dư nợ có lãi suất trên 13%/năm chiếm 12,45% tổng dư nợ cho vay bằng tiền đồng của toàn hệ thống. Các ngân hàng cũng tiếp tục chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, nhằm góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Trong những tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động và linh hoạt, phối hợp với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra (khoảng 5%). Các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng và nền kinh tế vẫn được các nhà điều hành chú trọng.

Đặc biệt, xử lý ra sao với các khoản nợ xấu khiến một số ngân hàng có nguy cơ phá sản là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới, khi mà Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa thể mua đứt bán đoạn để xử lý dứt điểm nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Dù sao thì việc Ngân hàng Nhà nước vẫn điều hành chủ động thông qua việc tiếp tục giữ ổn định các mức lãi suất điều hành, trần lãi suất huy động, trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng đối với một số lĩnh vực ưu tiên… cũng sẽ giúp duy trì sự ổn định của hệ thống ngân hàng trong thời gian tới.

Quan trọng là các ngân hàng thương mại sẽ thực hiện yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước về giảm lãi suất cho vay, kể cả các khoản cho vay cũ, như thế nào? Các ngân hàng có thể chọn cách giảm lợi nhuận để giảm thêm lãi suất cho vay nhằm giúp các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi hoạt động sản suất kinh doanh, qua đó đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, hướng tới phát triển bền vững. Hoặc các ngân hàng chọn cách an toàn, duy trì lãi suất cho vay, cố gắng kiếm lợi nhuận cao nhất có thể để làm đẹp bản báo cáo, nhưng phải đối mặt với những khoản nợ xấu mới từ phía doanh nghiệp.