Thông cáo của NHNN chiều ngày 14/8 về việc đưa Ngân hàng TMCP Đông Á (EAB) vào diện kiểm soát đặc biệt đồng thời miễn nhiệm hàng loạt lãnh đạo EAB đã gây cú sốc lớn đối với giới tài chính, ngân hàng.
Bất ngờ là bởi hiếm khi NHNN công khai ngay việc đưa một NH vào diện kiểm soát đặc biệt. Luật các TCTD cho phép NHNN không công bố công khai quyết định này. Hơn nữa, trong lần trả lời phỏng vấn ngày 7/8, Thống đốc Nguyễn Văn Bình vẫn đánh giá EAB cơ bản là một ngân hàng có hệ thống mạng lưới tốt, công nghệ tốt, bộ máy nhân sự không đến nỗi nào.
Vang bóng một thời
Không ngoa khi nói Đông Á đã từng có một thời vàng son. Nhìn lại trước đây, EAB cũng là một trong những ngôi sao sáng của ngành ngân hàng. Mặc dù không vượt trội về vốn, nhưng Ngân hàng này lại ghi dấu như một người tiên phong trong ứng dụng công nghệ.
Hệ thống Vietnam Bankcard (VNBC), một trong hai liên minh thẻ tại Việt Nam hiện nay, đã được thành lập từ năm 2005 với cổ đông sáng lập chính là EAB. Số lượng thẻ ngân hàng của EAB cũng thuộc hàng "top" với hơn 6,2 triệu thẻ trong năm 2013. Tháng 6/2015, ngân hàng này ra mắt mô hình Phòng giao dịch Ngân hàng Tự động, hoạt động giống PGD 24/7. Khách hàng ngoài rút tiền còn có thể gửi tiền qua cây ATM.
Không phải chỉ thế mạnh về công nghệ mới làm nên thương hiệu của Đông Á, kết quả kinh doanh của ngân hàng này giai đoạn trước đây cũng hết sức ấn tượng và có phần …”nóng”.
Thu nhập lãi và lợi nhuận các năm từ 2006-2011 đều tăng trưởng cao. Cổ tức chi trả cổ đông năm 2008 lên tới 21% và liên tục duy trì ở mức hai con số trong thời gian này.
Năm 2011, thu nhập lãi giúp EAB thu về 2.467 tỷ đồng, tăng 79,5% năm 2010. Lãi ròng tăng 44%, đạt 947 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận kỷ lục của EAB khi đó và cho tới nay.
Sau thời gian tăng trưởng “nóng”, lợi nhuận của EAB đã giảm khá nhanh, từ gần nghìn tỷ đồng xuống còn 21 tỷ đồng năm 2014, tương đương 1/45 lợi nhuận năm 2011. Đây cũng là năm mà Ban thanh tra NHNN quyết định rà soát toàn diện hoạt động kinh doanh của Đông Á (từ 2011 tới 30/7/2015).
EAB từng là một ngân hàng có tỷ suất sinh lời cao và chi cổ tức "khủng"
Tổng tài sản liên tục tăng nhưng hiệu quả kinh doanh lại không tăng tương ứng. Trong khi ROE năm 2011 đạt 19,58% thì tỷ lệ này đã sụt giảm còn 5,89% (năm 2013) và xuống dưới 0,5% ( năm 2014). Thu nhập lãi sau bốn năm đã giảm tổng cộng 40,4% dù dư nợ tín dụng tăng, chỉ giảm nhẹ năm 2014. Ngoài nguyên nhân từ doanh thu, lợi nhuận của EAB giảm còn do trích lớn chi phí dự phòng RRTD.
Trong khi năm 2011, EAB chỉ trích khoảng 296 tỷ đồng dự phòng thì chi phí dự phòng RRTD ba năm sau đó đều không hơn 550 tỷ đồng.
Hai quý lỗ liên tiếp và con số nợ xấu đáng giật mình
Hai quý đầu năm 2014, EAB lãi 226 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh thua lỗ ở hai quý cuối đã khiến ngân hàng này chỉ còn lãi hơn 27 tỷ đồng.
Đi kèm với đó là tỷ lệ nợ xấu tăng vọt. Trên sổ sách, nợ xấu ba năm gần đây đều chiếm trên 3% tổng dư nợ. Các năm 2012, 2013, nhìn chung nợ xấu ngành ngân hàng đều cao. Tuy nhiên, nợ xấu năm 2014 của EAB lại tăng khá bất thường. Mặc dù nợ xấu trên sổ sách giảm nhưng nếu cộng thêm 3.921 tỷ đồng nợ xấu đã bán cho VAMC, tổng số nợ xấu của EAB năm 2014 đã lên tới 5.868 tỷ đồng, trong khi năm 2013 nợ xấu xấp xỉ 2.117 tỷ đồng.
Nếu cộng thêm nợ xấu đã bán cho VAMC, tỷ lệ nợ xấu tương ứng khoảng 7,6%, vượt vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng của EAB.
Đây có thể là lý do khiến EAB ráo riết với kế hoạch tăng vốn của mình. Được NHNN chấp thuận kế hoạch tăng vốn từ cuối 2014 nhưng đến nay ngân hàng chưa thể thực hiện bởi cổ đông hiện hữu không mặn mà khi thị giá hiện nay của EAB luôn thấp hơn giá phát hành.
EAB đã có thời gian tìm hiểu sáp nhập với ABBank nhưng không đi đến kết quả cuối cùng. Gần đây, EAB chuyển hướng sang phát hành cho cổ đông chiến lược là Tập đoàn Kido. Tuy nhiên, phương án này có vẻ không thành.
|
Cơ cấu cổ đông EAB hiện nay |
Khi trên thị trường dấy lên tin đồn về khả năng NHNN sẽ mua EAB với giá 0 đồng, EAB lại tiếp tục công bố một phương án tăng vốn khác.
Theo TGĐ Trần Phương Bình đã có nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng mua 49% cổ phần (4.900 tỷ đồng) để nâng vốn điều lệ EAB lên 10.000 tỷ đồng (không phải 6.000 tỷ như kế hoạch ban đầu).
Giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Ngân hàng Việt Nam hiện nay vẫn là 30%. Vì thế, tuyên bố này của Ông Trần Phương Bình được đánh giá là thiếu "khả thi" và khó có kết quả.
Bởi sau đó chưa đầy một ngày, EAB đã bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, tình trạng một tổ chức tín dụng bị đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của NHNN do có nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán hoặc vi phạm nghiêm trọng pháp luật dẫn đến nguy cơ mất an toàn hoạt động.
Đồng thời, NHNN cũng cho biết sẽ miễn nhiệm hàng loạt vị trí lãnh đạo và cử những cán bộ của BIDV đảm nhiệm một số vị trí lãnh đạo chủ chốt để thực hiện quản trị, điều hành, kiểm soát đối với ngân hàng này. Chiếc ghế Chủ tịch của EAB hiện vẫn đang bỏ trống sau khi ông Cao Sỹ Kiêm bất ngờ xin từ nhiệm Chủ tịch HĐQT, đồng thời rút khỏi HĐQT tại ĐHĐCĐ thường niên 2015.
Vì đâu nên nỗi?
Dù hiếm khi NHNN công khai ngay thông tin đưa một ngân hàng vào diện kiểm soát đặc biệt như trường hợp của EAB nhưng trong năm nay đã có một vài ngân hàng bị đưa vào diện này. Hầu hết các ngân hàng bị xử lý đều có cáu chuyện sở hữu chéo, rút tiền ngân hàng mua cổ phiếu, tăng vốn "ảo".
Tuy nhiên, tại EAB dường như là câu chuyện khác đến từ công tác quản trị. Trong thông cáo của mình, NHNN cho biết EAB đã có nhiều vi phạm pháp luật về quản lý tài chính, cấp tín dụng trong giai đoạn 2012 trở về trước.
Trước đây, vào năm 2012, EAB đã có lần từng mất vốn vì không quản lý được tài sản đảm bảo. Khi đó, EAB cho vay Công ty thép Minh Thanh 46 tỷ đồng để thanh toán tiền cho nhà xuất khẩu. Khoản vay này được đảm bảo bằng chính lô thép vừa nhập. Tuy nhiên, do không chặt chẽ trong khâu giám sát, toàn bộ tài sản thế chấp này đã bị Minh Thanh qua mắt EAB bán trót lọt. Đến khi Minh Thanh hết khả năng trả nợ, tài sản thế chấp cũng đã không còn.
Hay như một khoản cho vay của EAB được cổ đông ngân hàng này đặc biệt quan tâm là khoản cho vay 686 tỷ đồng đối với BĐS Phát Đạt, trong đó có tới 647 tỷ đồng là nợ ngắn hạn và nợ dài hạn đến hạn trả.
Các hợp đồng vay giữa Phát Đạt –Đông Á phần lớn được ký kết năm 2010, 2011 với thời hạn 5 năm. Điều khoản của hợp đồng yêu cầu Phát Đạt hoàn trả theo năm một phần gốc sau ngày ký kết 2 năm 3 tháng. Tuy nhiên, thời gian trả phần gốc đầu tiên sau đó đã được lui lại một năm (3 năm 3 tháng từ ngày ký kết), Phát Đạt phải trả dần gốc theo quý thay vì theo năm.
Vậy nhưng, sau hai quý đầu năm 2015, tổng khoản vay ngân hàng của Phát Đạt lại không suy suyển mấy so với cuối 2014 dù đã có những khoản nợ tới hạn trả một phần gốc. Riêng hợp đồng vay số 3510 với trị giá 44,17 tỷ đồng đáng lý phải được thanh toán toàn bộ gốc từ gần 7 tháng trước nhưng Phát Đạt vẫn chưa hề chi trả.
Trả lời chất vấn của cổ đông, TGĐ Trần Phương Bình cho biết EAB đang trong quá trình thu hồi nợ nhưng tiến độ thu hồi bị ảnh hưởng bởi thủ tục phát mãi chậm
Đón đầu những thay đổi Luật Kinh doanh Bất động sản và cũng nhằm đẩy nhanh thu tiền từ dự án, EAB đã nhận trở thành bên bảo lãnh trong việc bán, cho thuê mua dự án The EverRich 2 và The EverRich 3. Chỉ đáng tiếc rằng Đông Á lại không nằm trong danh sách 33 NHTM được bảo lãnh dự án BĐS mà NHNN cho phép. Một kế sách giúp EAB nhanh chóng thu hồi khoản nợ tại Phát Đạt lại không thể thực hiện được như dự kiến.
Về phần Phát Đạt, DN này cũng có những phương án khác để tìm nguồn tiền trả nợ cho Đông Á nhưng chưa rõ hiệu quả tới đâu!?
Khoản cho vay với Phát Đạt chỉ là một phần trong dư nợ tín dụng của EAB. Tình trạng của những khoản vay khác của EAB liệu có tương tự Phát Đạt vẫn là một câu hỏi lớn đối với các cổ đông ngân hàng
Tính đến thời điểm tại, EAB chưa công bố BCTC quý I dù phần lớn các ngân hàng hiện nay đã công bố BCTC quý II. NHNN cũng chưa công khai kết quả thanh tra
Với kết quả thanh tra của NHNN, nợ xấu thực sự của ngân hàng này (gồm cả khoản nợ đã bán cho VAMC) có lẽ sẽ không chỉ dừng lại ở con số 5.868 tỷ đồng.