Nợ xấu và sự yếu kém của doanh nghiệp vẫn là những rào cản chính đối với tăng trưởng tín dụng và khiến nhiều ngân hàng không dám mạnh tay cho vay.
"Hẹp" cửa vay vốn vì tài sản thế chấp
Báo cáo kinh tế vĩ mô - triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam số tháng 8/2014 của Ngân hàng HSBC nhận định tăng trưởng tín dụng thấp trong tháng 7 vừa qua và dự báo tăng trưởng tín dụng cả năm 2014 có thể chỉ đạt 10%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đề ra. Hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) vẫn tiếp tục khó khăn trước bối cảnh tổng cầu thấp, sức mua yếu, hàng tồn kho tăng, khả năng hấp thụ vốn yếu. Bảy tháng đầu năm, số DN phải giải thể, phá sản lên tới 37.612 DN, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2013. Số còn lại cũng đang chật vật để giải quyết bài toán hàng tồn kho đang có xu hướng tăng trở lại. Trong khi đó, số DN thành lập mới trong 7 tháng vừa qua chỉ đạt 42.398 DN, giảm 7% so với cùng kỳ.
Để hỗ trợ nền kinh tế, đồng thời "kích" tín dụng, NHNN đã có văn bản "thúc giục" các ngân hàng thương mại tăng cho vay tín chấp. Thế nhưng, vay vốn không cần tài sản thế chấp vẫn là hành trình gian nan với số đông DN. Nhiều DN thừa nhận, không chỉ lãi suất cho vay giảm sâu mà các ngân hàng cũng chủ động tìm đến họ nhưng DN vẫn chưa tiếp cận được vốn, nguyên nhân là vì DN không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng. "Hiện nay, nhiều DN đã được vay vốn với lãi suất từ 7- 9%/năm. Mức lãi này sau khi trừ các chi phí trích bắt buộc thì ngân hàng đã chấp nhận lãi suất âm so với huy động đầu vào", bà Nguyễn Thị Mai Sương, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.Hà Nội cho hay.
Ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Mật ong Hưng Dũng (Phương Mai-Đống Đa- Hà Nội) cho biết, Công ty này cung cấp mật ong cho 14 tỉnh thành trên cả nước. Công ty chưa bao giờ có nợ xấu, luôn trả lãi đúng hạn và tương đối có uy tín với các ngân hàng. Tuy nhiên, cái khó nhất hiện nay là tài sản nhà đất của công ty cũng như bản thân gia đình ông đã dùng để thế chấp vay vốn hết. Bởi vậy, dù có nhu cầu vay thêm vốn mở rộng sản xuất, DN vẫn khó tiếp cận thêm vốn vay ngân hàng. "Nhiều DN nước ngoài đã tìm đến công ty ngỏ ý hợp tác nhưng với tiềm lực vốn cũng như cơ sở vật chất kỹ thuật hiện tại, chúng tôi vẫn không dám nhận lời vì không đủ lực để có thể mở rộng sản xuất. Thiết nghĩ với DN làm ăn đàng hoàng, có nguồn thu ổn định và không vướng nợ xấu như chúng tôi ngân hàng nên hỗ trợ mở rộng cho vay tín chấp", ông Dũng đề xuất.
Chọn "mặt" gửi vốn tín chấp
Để cải thiện tình hình trên, mới đây, NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng xây dựng quy trình thu thập, khai thác thông tin, đánh giá tín nhiệm, hoạt động của khách hàng. Qua đó, nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng, tăng cường hơn nữa khả năng cho vay không có tài sản đảm bảo.
Thực tế, trên thị trường hiện nay cũng đã có nhiều ngân hàng chấp nhận cho vay tín chấp đối với các DN có đánh giá tín nhiệm cao, phương án trả nợ tốt, không vướng nợ xấu, có nguồn thu ổn định. Chẳng hạn, Ngân hàng HDBank dành 500 tỷ đồng cho vay tín chấp đối với các DN có vốn đầu tư nước ngoài có nhu cầu vốn để sữa chữa, xây dựng mới nhà xưởng, máy móc, thiết bị, mua nguyên vật liệu… Lãi suất trong 6 tháng đầu tiên là 12%/năm đối với loại tiền vay bằng VND và 5%/năm đối với loại tiền vay bằng USD. Tại Sacombank, ACB, Eximbank, OCB... đều xây dựng hình thức vay tín chấp bằng dòng tiền, cho vay theo hợp đồng cung ứng… Tuy nhiên, các DN muốn được vay vốn vẫn phải đảm bảo yêu cầu phải có phương án bao tiêu đầu ra hoặc thế chấp bằng dòng tiền thì phải có dự án khả thi. Hiện nay, các ngân hàng trong hệ thống chủ yếu cho vay dựa trên ngành nghề hoạt động kinh doanh của DN với sự kiểm soát chặt chẽ, tránh trường hợp không ít khách hàng đã vay tiền ngân hàng để đầu tư vào các tài sản khác, gây nên rủi ro nợ xấu rất cao như trước đây.
"Vay tín chấp là một quá trình giao dịch, không thể gặp nhau lần đầu đã có thể cho vay tín chấp ngay. Hiện ngân hàng đã cho vay tín chấp đối với một số DN, nhất là các DN cung cấp dịch vụ cho Nhà nước và các DN mà chúng tôi quản lý được dòng tiền", ông Trần Đạo Vũ, Giám đốc ngân hàng DongA Bank - Chi nhánh Hà Nội cho biết.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cũng cho rằng, khi DN gặp khó khăn, vỡ nợ, người chịu trách nhiệm đầu tiên chính là ngân hàng. Do đó, dù đã có chủ trương, lãnh đạo các chi nhánh trực thuộc trong Ngân hàng cũng "chùn tay" cho vay tín chấp. "DN phải minh bạch trong hoạt động và báo cáo tài chính, đảm bảo ngân hàng có thể quản lý được dòng tiền thì mới có khả năng vay tín chấp. Đơn cử, một DN có tài sản thế chấp 1 tỷ đồng nhưng ngân hàng vẫn có thể cho vay tới 5 tỷ đồng với điều kiện doanh thu hàng tháng của DN lên tới 1 tỷ đồng và ngân hàng có thể quản lý được dòng tiền này", vị lãnh đạo này khuyến cáo.