9 NH trong danh sách bắt buộc tái cấu trúc giai đoạn 2011-2015 hiện gần như đã được "dọn dẹp" tái cấu trúc đúng lộ trình, nếu không kể trường hợp tái cấu trúc theo phương thức đặc biệt của GPBank.
Mập mờ thông tin
Không ngạc nhiên khi cũng trên bình diện bề mặt, hệ thống NH đã lấy lại được lòng tin nhờ nỗ lực tái trúc nhanh gọn và quyết liệt, yếu bằng phương thức M&A. Vấn đề duy nhất là tiến trình tái cấu trúc bắt buộc của các NH, có song hành cùng chất lượng tái cấu trúc?
Có thể nhìn thấy điều đó trước hết qua trường hợp sáp nhập 3 NH đầu tiên. Việc sáp nhập 3 NH SCB, FicomBank, Tín Nghĩa Bank từ cuối 2011, đã dẫn đến nhiều thay đổi tại NH. Trong giai đoạn đầu tiên với sự hậu thuẫn của NHNN và BIDV, SCB hậu sáp nhập đã sớm củng cố hoạt động. Tính đến hết năm 2013, SCB đã thanh toán khoản vay tái cấp vốn hơn 21.000 tỷ đồng cho NHNN, đưa nợ xấu từ 7,25% ở 31/12/2012 xuống còn 1,63%. Tổng tài sản tăng, vốn điều lệ tăng, cả huy động lẫn tín dụng đều tăng trưởng ở năm 2013 so với cùng kì 2012. NH này cũng đã bán nợ cho VAMC 7.000 tỷ đồng. Có thể nói là sau giai đoạn mất ổn định thanh khoản, SCB đã đi vào ổn định.
Dù vậy, có một số điểm khiến dư luận vẫn không khỏi băn khoăn về mức độ minh bạch thông tin và từ đó, là minh bạch sức khỏe của SCB. Chẳng hạn, theo công văn số 1072/NHNN-TTGSNH của NHNN về việc chuyển nhượng cổ phần của cổ đông SCB cho nhà đầu tư nước ngoài, thì NH được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận việc chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông hiện hữu tại SCB cho nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân, theo đề nghị của NH. Song song cũng tháng 3/2013, SCB đăng kí chào bán 300 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược là quỹ Macquarie Capital. Nói cách khác là SCB đã có (một hay hai) nhà đầu tư cá nhân và tổ chức đầu tư ngoại?
Ngoài ra, SCB cũng đang có một cổ đông góp vốn gần 400 tỷ đồng vào SCB. Tuy tỷ lệ sở hữu cổ phần tính trên vốn điều lệ không lớn nhưng với vai trò một cổ đông tổ chức và có đại diện trong TV HĐQT, hoạt động và cơ cấu sở hữu/ thực lực của tổ chức này lại rất đáng bàn. Tổ chức này Cty Tập đoàn An Phú, đại diện vốn sở hữu tại SCB là ông Võ Thành Hùng - Chủ tịch kiêm TGĐ An Phú. Ông Hùng hiện là Phó Chủ tịch HĐQT SCB. An Phú đầu tư bất động sản và xuất nhập khẩu, chủ yếu vẫn là mũi nhọn BĐS. Sở hữu góp vốn tại An Phú khá lòng vòng qua nhiều Cty tổ chức và cá nhân, có thể ví như một "mạng nhện" tương tự như mạng nhện sở hữu chéo ở ba NH SCB, FicomBank và Tín Nghĩa Bank trước đây. Trong khi đó với SCB hiện tại, danh mục góp vốn của NH lại cũng vẫn chưa "thoát" tài chính-bất động sản, với tỷ lệ sở hữu lớn ở chứng khoán Tân Việt, Nhà Đà Nẵng và một loạt các Cty Du lịch. Gọi là Cty dịch vụ Du lịch song không thể "bỏ qua" tài sản chính là bất động sản nghỉ dưỡng - du lịch.
Bí ẩn năng lực vốn
Trong nhóm NH bắt buộc tái cấu trúc, TrustBank - NH Đại Tín đã chính thức đổi tên thành NH Xây dựng vào năm 2013. Trong đợt công bố đổi tên, nguồn máu mới được tiếp để tái cấu trúc NH này được xác định đến từ Tập đoàn Thiên Thanh và nhóm cổ đông bất động sản có liên quan với ông Phạm Công Danh - nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB, với tỷ lệ cổ phần thay đổi sở hữu lên đến 84%. Mặc dù Tập đoàn Thiên Thanh chỉ nắm trên giấy tờ khoảng 10% cổ phần VNCB và tính đến thời điểm hiện nay, vẫn chưa thể xác định chính xác trong 545 cổ đông thể nhân, có bao nhiêu người liên quan đến nhóm ông Phạm Công Danh và Thiên Thanh, song NH này dường như vẫn chưa thể lập tức thoát khỏi dấu ấn và sở hữu của đợt tái cấu trúc lần 1.
Sau đổi tên, VNCB đã công bố kế hoạch tăng vốn từ mức 3.000 tỷ lên 7.500 tỷ đồng. Nguồn lực tăng vốn lại được cho là cũng đến từ nhóm ông Phạm Công Danh mặc dù NH không đề cập cụ thể đối tượng mua mà chỉ thông báo chung chung chung là phát hành cổ phần riêng lẻ cho cổ đông hiện hữu. Lưu ý có đến 84% cổ phần thuộc cổ đông hiện hữu như đã nêu trên, được cho là đến từ nhóm ông Phạm Công Danh. Website của VNCB tại thời điểm trước 30/7/2014, trước khi ông Phạm Công Danh bị bắt và khởi tố cách do những vi phạm pháp luật về quản lí kinh tế tại VNCB, đã đăng tải thông tin chào bán thành công 450 triệu cổ phần riêng lẻ, và bố cáo VNCB chính thức tăng vốn thành công lên 7.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên tại thời điểm hiện nay thì thông tin này trên website của VNCB không còn tồn tại. Vào mục " CỔ ĐÔNG", chỉ có tin VNCB chính thức đạt vốn điều lệ 3000 tỷ đồng từ 30/6/2011 với 551 cổ đông trong đó có cả Tập đoàn Thiên Thanh. Dư luận thực sự không rõ hiện tại, vốn điều lệ của VNCB là bao nhiêu, và ai, nhóm nào đã mua cổ phần/ góp tăng vốn điều lệ cho VNCB qua sở hữu 450 triệu cổ phiếu, hơn gấp đôi vốn điều lệ trước đó của NH?
Một điều tất yếu là sau sự bất ổn với việc ông Phạm Công Danh cùng một số lãnh đạo NH bị bắt, VNCB sẽ bắt buộc phải tái cấu trúc lần 2. Sự "đứt gãy" tái cấu trúc lần 1 của VNCB qua đợt tiếp máu 1 lần, mà nút thắt là cấu trúc sở hữu sau tái cơ cấu còn chồng chéo, ít minh bạch khiến dư luận không khỏi e ngại về năng lực vốn thực sự của các chủ đầu tư NH trong các đợt tái cấu trúc.
Cần nhớ là trong số 8 NH thực thi tái cấu ngoài GPBank, cả 8 NH đều đã đi theo con đường "thay máu", hoặc sáp nhập hay bị sáp nhập hoặc đổi chủ sở hữu, đón đối tác mới. Năng lực của các đối tác/ chủ đầu tư tại các NH được thay máu, theo đó, càng là chuyện cần được tường minh hàng đầu - để từ đó cơ cơ sở xây dựng/ "vuốt phẳng tờ giấy" - lấy lại niềm tin cho hệ thống NH.
Kiến nghị từ BIDV Theo Trung tâm Nghiên cứu BIDV, những khó khăn trong quá trình xử lý nợ xấu bao gồm: Vấn đề về pháp lý dẫn đến khó khăn trong xử lý tài sản đảm bảo: quy định về xử lý tài sản thế chấp hiện nay quá phức tạp, đặc biệt, khi tình hình kinh tế khó khăn thì các NH càng gặp khó khăn hơn trong khâu xử lý tài sản đảm bảo. Việc xử lý tài sản bảo đảm bị chậm ảnh hưởng rất lớn tới nợ xấu của NH như làm tăng chi phí hoạt động trong quá trình thu hồi nợ. Ngoài ra, rất nhiều các tài sản bảo đảm sẽ bị sụt giảm giá trị nghiêm trọng nếu việc phát mại bị dây dưa, như hàng hóa lưu kho, sau khi bán đã không đủ để bù đắp cho khoản vay và lãi phát sinh. Do đó, thời gian xử lý nợ quá chậm dẫn tới làm tăng tỷ lệ nợ xấu NH. (ii), Thị trường mua bán nợ (MBN) của VN chưa phát triển: các Cty MBN chỉ đóng vai trò như một nhà môi giới và quản lý hộ nợ xấu của các TCTD. Việc bán nợ chưa thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, phục vụ cho mục đích xử lý nợ xấu của các TCTD, nguyên nhân do: (i) DATC là đối tác mua nợ chính của các TCTD song tiềm lực tài chính còn hạn chế; (ii) Hầu như các Cty AMC của TCTD chỉ hoạt động phục vụ cho chính TCTD đó với chức năng thu hồi nợ từ xử lý tài sản là chủ yếu; (iii) VAMC chưa tham gia mua đứt khoản nợ xấu theo cơ chế thị trường. BIDV kiến nghị: 1, Các NH cần chủ động xử lý nợ xấu bằng các biện pháp như: xử lý tài sản đảm bảo thu hồi nợ vay. Với các DN có lịch sử quản trị kinh doanh tốt, đang gặp khó khăn về nghĩa vụ trả nợ gốc do tình hình kinh tế khó khăn, do các dự án đầu tư đang triển khai chưa đi vào hoạt động… thì có thể chuyển một phần nợ gốc thành trái phiếu trung hạn; chuyển nợ quá hạn, nợ xấu thành cổ phần nếu nhận thấy sau tái cấu trúc DN có khả năng tồn tại và phát triển. 2, Bộ Tài chính và các bộ ngành cần sửa đổi các văn bản pháp lý liên quan nhằm giải quyết nhanh ách tắc từ việc xử lý tài sản bảo đảm; sửa đổi quy định về sở hữu BĐS của người nước ngoài, giúp phát triển thị trường MBN VN. 3, Bộ Tư pháp, Tài nguyên môi trường, Xây dựng,NHNN xem xét mở rộng phạm vi bảo đảm của nhà ở hình thành trong tương lai cho các nghĩa vụ của khách hàng. 4, Chính phủ, Bộ ngành sớm tạo hành lang pháp lý đồng bộ cho phép TCTD được toàn quyền chủ động trong xử lý tài sản bảo đảm để nhanh chóng xử lý nợ xấu... |