Ngân hàng ‘chắc tay’, người dân khát vốn

Ngân hàng ‘chắc tay’, người dân khát vốn

Nhu cầu vay tiêu dùng cuối năm của người dân đang dần tăng cao, việc tiếp cận vốn tại các ngân hàng lại khó khăn, trong khi mạng lưới công ty tài chính tiêu dùng vẫn hẹp và thị phần quá nhỏ, nên khó có thể giải “cơn khát về vốn” cho người dân.

Chật vật vay vốn ngân hàng

Cầm hồ sơ vay vốn vừa bị một ngân hàng lớn từ chối cho vay, bà Hoàng Thị Sinh, công nhân một nhà máy dệt may tại Hà Nội buồn rầu: “Tôi làm công nhân dệt may ở Gia Lâm (Hà Nội), lương 4 triệu đồng/tháng, có sổ đỏ là căn nhà ở Gia Lâm, giá trị khoảng 600 - 700 triệu đồng. Chồng tôi chạy xe ôm, không có thu nhập cố định. Gia đình định vay vốn ngân hàng, khoảng 150 triệu đồng, để mở quầy tạp hóa kinh doanh, nhưng khi đưa hồ sơ tới ngân hàng thì được trả lời rằng, với mức lương như vợ chồng tôi, giỏi lắm ngân hàng chỉ có thể duyệt cho vay 20 triệu đồng, với điều kiện là phải có xác nhận bảng lương và phải thế chấp nhà”.

Câu chuyện khó tiếp cận vốn ngân hàng của những khách hàng “dưới chuẩn” không còn là chuyện lạ, nhất là những khách hàng không có việc làm cố định, không có tài sản thế chấp. Cũng do khó tiếp cận vốn ngân hàng, những câu chuyện đau lòng vì tín dụng đen đã xảy ra. Trên thực tế, tình trạng tín dụng đen tuy có giảm, nhưng vẫn đang diễn biến phức tạp và hoạt động khá công khai.

Cho vay tiêu dùng ở Việt Nam đang còn nhiều dư địa phát triển. Ảnh: Đức Thanh
Cho vay tiêu dùng ở Việt Nam đang còn nhiều dư địa phát triển. Ảnh: Đức Thanh

Thượng tá Trần Thị Thúy, Phó trưởng phòng 5 (Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, trung bình mỗi ngày có 4 vụ vỡ nợ vì tín dụng đen. Thống kê từ năm 2010 đến năm 2014, ở nước ta đã xảy ra hàng trăm vụ vỡ nợ lớn, với thiệt hại lên đến hàng ngàn tỷ đồng; trong đó, có 41 vụ giết người, 318 vụ cố ý gây thương tích, 558 vụ cướp tài sản, 1.089 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.707 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 2.496 vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, 104 vụ hủy hoại tài sản…

Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, tình trạng tín dụng đen tồn tại nhiều năm chưa được xử lý dứt điểm là do hệ thống ngân hàng chưa đáp ứng được nhu cầu vốn của người dân.

Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, cách tốt nhất để ngăn chặn tín dụng đen là phát triển thị trường tài chính tiêu dùng chính thức, nhất là phát triển mạnh mẽ các công ty tài chính tiêu dùng. Khi các công ty này phát triển sẽ mang lại cho người dân cơ hội tiếp cận vốn dễ dàng hơn, nhất là đối với nhóm khách hàng thu nhập thấp, “dưới chuẩn” của ngân hàng.

Nông thôn và vùng sâu, vùng xa vẫn “trắng” tín dụng tiêu dùng

Những năm gần đây, ngày càng nhiều công ty tài chính tiêu dùng gia nhập thị trường, góp phần ngăn chặn tín dụng đen, giải tỏa phần nào cơn khát vốn của khách hàng cá nhân. Tuy nhiên, quy mô và thị phần tín dụng tiêu dùng nói chung cũng như của những công ty tài chính tiêu dùng nói riêng ở nước ta còn khá nhỏ.

Cụ thể, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng tiêu dùng mới chiếm tỷ trọng 8% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống. Trong đó, các ngân hàng chiếm tới 85% tổng dư nợ (chủ yếu cho vay mua nhà, sửa nhà, mua xe… có tài sản đảm bảo, nhắm vào các khách hàng đạt chuẩn). Các công ty tài chính tiêu dùng chỉ chiếm thị phần 4 - 5% trong tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng, chủ yếu nhắm vào khách hàng “dưới chuẩn”.

Điều này cho thấy, số lượng khách hàng dưới chuẩn không tiếp cận được vốn ở kênh chính thức còn lớn và đây là nguyên nhân khiến tín dụng đen có đất sống.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trung bình mỗi ngày có 4 vụ vỡ nợ vì tín dụng đen. Thống kê từ năm 2010 đến năm 2014, ở nước ta đã xảy ra hàng trăm vụ vỡ nợ lớn, với thiệt hại lên đến hàng ngàn tỷ đồng; trong đó, có 41 vụ giết người, 318 vụ cố ý gây thương tích, 558 vụ cướp tài sản, 1.089 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.707 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 2.496 vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, 104 vụ hủy hoại tài sản…

TS. Lưu Bích Hồ, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc ngày càng nhiều công ty tài chính tiêu dùng là tín hiệu tốt đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay, các công ty tài chính mới chỉ tập trung tại địa bàn thành thị, trong khi tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn “trắng” tín dụng tiêu dùng cho khách hàng dưới chuẩn.

“Các công ty tài chính nên mở rộng mạng lưới khách hàng, phục vụ cả các đối tượng ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa để người dân được tiếp cận kênh tín dụng chính thức. Nếu không, người dân vùng sâu, vùng xa sẽ tiếp tục mắc bẫy tín dụng đen. Dĩ nhiên, nhu cầu vay vốn tiêu dùng của người dân nông thôn là không nhiều, song nếu tín dụng tiêu dùng không đi trước, không đóng vai trò kích cầu tiêu dùng, thì sức mua của nền kinh tế sẽ tiếp tục ỳ ạch”, TS. Hồ khuyến cáo.

Đồng tình với ý kiến trên, TS. Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, việc giúp các công ty tài chính đẩy mạnh mở rộng mạng lưới ở địa phương là yếu tố quan trọng trong quá trình ngăn tín dụng đen. “Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ở Việt Nam có mức tăng trưởng bình quân 20%/năm, nhưng dư nợ cho vay tiêu dùng bình quân mới xấp xỉ 1,5 triệu đồng/người. Con số này quá thấp so với thế giới, chứng tỏ cho vay tiêu dùng của Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Theo nhận định của TS. Lê Xuân Nghĩa, tín dụng tiêu dùng sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, để tín dụng tiêu dùng phát triển đúng hướng và đẩy lùi tín dụng đen, hành lang pháp lý cần phải hoàn chỉnh, khuyến khích các khoản vay nhỏ. Đồng thời, lãi suất tín dụng tín dụng cũng phải giảm thêm nữa để khuyến khích người dân vay vốn tiêu dùng